Hiệp ước Bầu trời mở là gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 21/5, xác nhận Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.
Hiệp ước Bầu trời mở - kí kết tháng 3/1992 tại Helsinki (Phần Lan) bởi 23 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).
Hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát ngắn, không vũ trang, qua các quốc gia khác để thu thập dữ liệu về hoạt động quân sự.
Hiệp ước có hiệu lực năm 2002. Đến nay đã có sự tham gia của hơn 30 quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ và một số nước thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nếu tuyên bố của ông Trump thành hiện thực, đây sẽ là hiệp ước kiểm soát vũ khí tiếp theo mà Mỹ từ bỏ dưới thời Tổng thống Trump.
Năm ngoái, Washington đã rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung với Moscow.
Mỹ tố Nga vi phạm hiệp ước
Mỹ từng nhiều lần lên tiếng tố Nga vi phạm các hiệp ước vũ khí chung, bao gồm Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hôm 21/5, phát ngôn viên Lầu năm Góc Jonathan Hoffman một lần nữa nhắc lại những cáo buộc của Mỹ, rằng Moscow đã áp đặt quy định hạn chế chuyến bay qua những khu vực nhạy cảm như ngoài khơi Kaliningrad, khu vực giữa Ba Lan – Litva…
Ông cũng cáo buộc Nga từ chối các chuyến bay "trong phạm vi 10 km từ biên giới Georgia-Nga và từ chối chuyến bay qua các cuộc tập trận lớn trong năm”.
"Nga vi phạm liên tục và trắng trợn nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Bầu trời mở. Việc này đe doạ Mỹ và các đồng minh”, ông Hoffman nói với các phóng viên.
Nhiều chuyên gia phản đối
Theo CNN, Tổng thống Mỹ và nhiều quan chức cấp cao đang thúc đẩy những loại vũ khí hạt nhân mới, nhưng đồng thời khẳng định Washington không có ý định chạy đua vũ trang với Moscow.
Nhà Trắng từng nhiều lần chỉ trích ý tưởng Mỹ nên bị ràng buộc bởi các thoả thuận quốc tế. Nhưng các nhà phân tích và cựu quan chức cho rằng việc rút khỏi thêm một thoả thuận khác có thể làm sâu sắc thêm sự bất ổn toàn cầu.
George Shultz – Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Wiliam Perry – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, và cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Sam Nunn - người cùng với Henry Kissinger thành lập Dự án An ninh hạt nhân – hồi tháng Ba từng kêu gọi Mỹ giữ lại Hiệp ước Bầu trời mở.
“Vào thời điểm căng thẳng với Moscow gia tăng, Hiệp ước Bầu trời mở đóng vai trò là công cụ hữu ích để Mỹ và các quốc gia đồng minh theo dõi hoạt động quân sự của Nga. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm suy yếu các đồng minh Mỹ ở châu Âu”, 3 cựu quan chức trên viết trong bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Tổng thống Donald Trump và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien.
Daryl Kimball – Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho biết: “Những lo ngại về việc Nga không tuân thủ hiệp định, dù nghiêm trọng, nhưng vẫn có thể dàn xếp được, không đến mức Mỹ phải rút khỏi hiệp ước.”
Trước đó, Mỹ từng rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, và nêu điều kiện để gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Nga – Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới.
Nga tuyên bố sẽ đáp trả
Chủ tịch Uỷ ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky cho biết Moscow có kế hoạch đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, mặc dù đây là hiệp ước đa phương.
Ông Slutsky khẳng định Nga chưa từng vi phạm Hiệp ước, “không giống như Mỹ, thường im ỉm khi gặp vấn đề trong quá trình thực thi Bầu trời mở.”
Cùng lúc đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Moscow chưa nhận được thông báo chính thức từ Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.