Mỹ - Philippines bàn về Biển Đông, nối lại tập trận

0:00 / 0:00
0:00
Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia đợt tập trận Balikatan ở Philippines năm 2019. Ảnh: Stripes
Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia đợt tập trận Balikatan ở Philippines năm 2019. Ảnh: Stripes
TP - Hôm nay, binh lính Mỹ và Philippines bắt đầu tiến hành đợt tập trận chung, nối lại hoạt động huấn luyện thường niên sau 1 năm phải hoãn vì đại dịch.

Tư lệnh quân đội Philippines hôm qua đưa ra thông báo đó, sau khi bộ trưởng quốc phòng hai nước trao đổi qua điện thoại để bàn về hoạt động diễn tập, tình hình Biển Đông và những diễn biến an ninh khu vực gần đây.

Khác với trước đây, chương trình tập trận mang tên Balikatan sẽ có quy mô nhỏ hơn. Mục đích của chiến dịch là tập trung nâng cao năng lực sẵn sàng của hai lực lượng nhằm đối phó với những mối đe dọa như thiên tai và các cuộc tấn công quân sự cực đoan. Chỉ có 1.700 binh lính, gồm 700 của Mỹ và 1.000 của Philippines, tham dự chương trình, ít hơn nhiều so với khoảng 7.600 của các lần trước đây, Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết. “Sẽ có những tiếp xúc trực tiếp nhưng ở mức tối thiểu”, ông nói.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, khi Trung Quốc tiếp tục duy trì đội tàu ở Trường Sa và Mỹ điều nhóm tàu sân bay trở lại đây tập trận.

Trong cuộc điện đàm ngày 11/4 với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhắc lại tầm quan trọng của Thoả thuận các lực lượng viếng thăm (VFA) giữa hai nước, theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Philippines. Ông Lorenzana cam kết sẽ bàn về vấn đề này với Tổng thống Rodrigo Duterte, Reuters đưa tin.

Năm ngoái, ông Duterte đơn phương tuyên bố chấm dứt VFA để đáp trả vụ một đồng minh của ông bị Mỹ từ chối cấp visa. Thoả thuận này đóng vai trò là khuôn khổ pháp lý để Mỹ có thể điều quân luân phiên đến Philippines. Nhưng quyết định chấm dứt VFA đã bị trì hoãn hai lần, tạo nên cái mà giới chức Philippines cho là cửa sổ để đạt được thỏa thuận có những điều khoản tốt hơn. Quan hệ giữa Washington với cựu thuộc địa của mình ở châu Á trở nên phức tạp từ khi ông Duterte lên cầm quyền và chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Duterte nói rằng, Washington phải trả thêm tiền nếu muốn duy trì VFA.

Thư ký báo chí Lầu Năm góc John Kirby cho biết, hai ông Austin và Lorenzana đã bàn về tình hình Biển Đông và việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Ông Austin đã đề xuất với ông Lorenzana nhiều biện pháp để làm sâu sắc hợp tác quốc phòng, bao gồm việc “nâng cao khả năng nắm bắt tình hình trước các mối đe dọa trên Biển Đông”, ông Kirby nói, nhưng không cho biết chi tiết. Trước đó, ông Kirby nói rằng, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island đang hoạt động trên Biển Đông. Mỹ không có căn cứ quân sự lâu dài ở Philippines nhưng thỉnh thoảng điều lực lượng luân phiên đến đây trong khuôn khổ VFA.

Việc các tàu Trung Quốc hiện diện dai dẳng ở quần đảo Trường Sa là một trong những bước đi mà Mỹ chỉ trích là cách Bắc Kinh bắt nạt những nước láng giềng nhỏ hơn ở khu vực.

Ông Lorenzana cũng tìm kiếm sự bảo đảm từ ông Austin về việc đẩy nhanh tốc độ giao các lô vắc-xin COVID-19 mà hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna sản xuất và Manila đã đặt mua. Ông Austin cho biết, sẽ “xem xét vấn đề và chuyển đến cơ quan liên quan”, thông cáo cho biết.

Căng thẳng gia tăng ở Ðài Loan

Căng thẳng cũng đang gia tăng ở khu vực đảo Đài Loan khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục, Đài Bắc và Mỹ cùng tập trung ở vùng biển phía tây nam Đài Loan trong tuần này.

Cuộc gặp gỡ quân sự diễn ra khi một máy bay do thám EP-3E của Không quân Mỹ thực hiện chuyến bay ở khu vực nơi eo biển Đài Loan giao với Biển Đông. Không quân Trung Quốc điều máy bay ra giám sát tình hình, còn Đài Loan điều máy bay tuần tra ra giám sát và đưa lực lượng tên lửa phòng không vào trạng thái sẵn sàng, báo chí Đài Loan cho biết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ rằng Trung Quốc đang bắt nạt Đài Loan, còn quan chức phụ trách đối ngoại của Đài Loan Joseph Wu tuyên bố hòn đảo sẽ “chiến đấu đến cùng” và thông báo Đài Bắc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Ông Triệu nói rằng, việc Mỹ điều nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào khu vực này sẽ “kích động và gây rối, gửi tín hiệu sai” đến các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan. “Trung Quốc không thiếu ý chí hay năng lực để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông Triệu nói.

Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hong Kong cho rằng, nguy cơ xảy ra đụng độ thực sự giữa các lực lượng không cao. “Những hoạt động như vậy đã trở thành thường lệ đối với tất cả các bên”, ông Song nói với báo South China Morning Post.

MỚI - NÓNG