Phát biểu tại cuộc họp với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ngày hôm qua, Phó Đô đốc James Syring nhấn mạnh: “Tôi đánh giá rằng khả năng kỹ thuật (hạt nhân) của Triều Tiên chưa được cải thiện và rằng những gì họ đang làm là tiếp tục khiêu khích và đáng báo động… Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt”.
Ông Syring không cho biết gì thêm về vụ thử bom hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên.
Mỹ vẫn chưa phát hiện những thay đổi bất thường trong nỗ lực xác định, theo dõi và đánh chặn các thách thức tên lửa tiềm năng của Triều Tiên sau vụ thử bom hạt nhân gần đây, ông Syring cho biết. “Chúng tôi hoàn toàn đúng trên hành trình chặn đứng các thách thức này”, Vị phó đô đốc Mỹ cho hay.
Theo vị phó đô đốc Mỹ, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ có tổng cộng 37 tên lửa đánh chặn lắp đặt tại Alaska và California sẵn sàng hoạt động vào cuối năm nay và con số tăng lên 44 vào cuối năm 2017. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã ra lệnh lắp đặt thêm 14 tên lửa đánh chặn vào tháng 3/2013 sau vụ thử lần 3 của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, các chuyên gia hạt nhân cho rằng Triều Tiên có thể đã thu thập dữ liệu và bí quyết thực tế từ vụ thử vừa qua. Các chuyên gia cũng phủ nhận Bình Nhưỡng đã thử thành công bom nhiệt hạch.
Siegfried Hecker, cựu giám đốc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ, nhận định vụ thử sẽ cho phép Triều Tiên nâng cao kho vũ khí hạt nhân, đặc biệt chế tạo bom hạt nhân có kích cỡ nhỏ và nhẹ hơn.
Đô đốc Bill Gortney, Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Bắc của Mỹ, cũng cho rằng Triều Tiên đã đạt được khả năng thu gọn các vũ khí hạt nhân và gắn chúng vào tên lửa có tầm bắn tới Mỹ.
Trước đó, Triều Tiên đã phô trương 2 phiên bản của tên lửa đạn đạo có thể bắn tới bờ tây của nước Mỹ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy loại tên lửa này đã được đem ra phóng thử.