Mặc dù đã có những cuộc tập trận tương tự diễn ra ở biển Đông, đây là lần đầu bốn nước nói trên cùng tham gia tập trận tại vùng biển có tranh chấp mà một bên tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh và Washington đang có căng thẳng về thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói bắt đầu tăng thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD bắt đầu từ hôm nay, 10/5.
“Tập trận với các đồng minh, đối tác và bè bạn trong khu vực là cơ hội để xây dựng mối quan hệ tốt đang hiện hữu”, hạm trưởng Andrew J. Klugcủa tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence, nói trong một văn bản, theo Reuters.
Nhật Bản đã phái tới một trong hai hàng không mẫu hạm lớn của họ, tàu Izumo, trong khi Ấn Độ triển khai khu trục hạm INS Kolkata, và tàu chở dầu hậu cần INS Shakti.
Tuần tập trận bốn bên, kết thúc hôm thứ Tư, diễn ra sau khi hai tàu chiến khác của Mỹ đi vào vùng nước gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiến tạo phi pháp ở biển Đông hôm thứ Hai, hành động khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối.
Hải quân Mỹ nói họ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải như thế trong vùng nước quốc tế khắp thế giới, ngay cả trong những vùng biển mà đồng minh của họ tuyên bố chủ quyền mà không cần cân nhắc ý nghĩa chính trị.
Trong tháng 4, tàu USS William P. Lawrence và một tàu khu trục của Mỹ khác đã đi ngang qua eo biển Đài Loan, điều chắc chắn khiến Trung Quốc tức giận.
Theo Japan Times, lực lượng phòng vệ biển nước này đã cử ngoài tàu sân bay Izumo còn có khu trục hạm Murasame tham gia tập trận, từ ngày 2/5-8/5. Các bên cũng thay nhau diễn tập chỉ huy trên tàu Izumo.
Trung Quốc nói các thực thể họ xây dựng, bao gồm các sân bay và vũ khí tiên tiến, là dùng vào mục đích phòng vệ, nhưng một số chuyên gia nói đó là một phần của kế hoạch củng cố sự kiểm soát trên thực tế của họ đối với biển Đông.
Trong một bài xã luận đăng tuần này, Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc chỉ trích các hoạt động được gọi là tự do hàng hải của Mỹ gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng.
Tờ báo có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa này nói các hoạt động của Mỹ và đồng minh nhắc nhở Trung Quốc phải củng cố sức mạnh hải quân.
“Chỉ khi hải quân Trung Quốc đủ mạnh, hải quân Mỹ mới không dám cố tình đi vào vùng nước của Trung Quốc để phô trương cơ bắp”, Hoàn Cầu thời báo ngang ngược viết.
Theo Japan Times, Nhật Bản đã củng cố sự hiện diện của họ tại biển Đông, triển khai các tàu chiến Izumo và Murasame như một phần của việc triển khai lực lượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong năm nay. Hoạt động này bắt đầu tư 30/4 và kéo dài đến 10/7.
Tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ nói cuộc tập trận bốn bên là theo đề nghị của phía Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái, rằng các đồng minh của họ ở Thái Bình Dương củng cố sự hiện diện của họ ở biển Đông.
Cho đến nay, theo Stars and Stripes, Trung Quốc đã kiến tạo thêm gần 1.300 ha đất ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam tính từ 2013 đến nay.
Năm ngoái, Trung Quốc “bố trí các tên lửa chống hạm và phòng không tầm xa trên các tiền đồn ở Trường sa”, theo một báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tuần trước.
Phản ứng trước báo cáo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm thứ Hai rằng “Trung Quốc theo đuổi sự phát triển hòa bình và chính sách quốc phòng mang bản chất phòng thủ”.
Trước đó, hồi tháng 12/2018, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Randy Schriver trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Australian đã đề xuất gia tăng thêm áp lực đối với Trung Quốc bằng cách “đưa thêm các đối tác và đồng mình tham gia các hoạt động ở biển Đông”.