> Thế giới và luật chơi đã thay đổi
Sinh viên giơ biểu ngữ “Obama hãy dừng trục xuất những người mộng tưởng”. Ảnh: AP. |
Theo chính sách mới, những người được phép ở lại Mỹ phải đáp ứng các điều kiện sau: đến Mỹ khi họ dưới 16 tuổi, sống liên tục ở Mỹ ít nhất 5 năm, là học sinh hoặc đã tốt nghiệp phổ thông hoặc cựu binh Mỹ giải ngũ, không có tiền án, dưới 30 tuổi.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Janet Napolitano nói rằng, luật trục xuất không phải được xây dựng để “áp dụng một cách mù quáng mà không xem xét hoàn cảnh cá nhân của từng trường hợp”.
Những người đủ tiêu chuẩn có thể nộp đơn để được cấp giấy phép lao động có thời hạn hai năm và được gia hạn không giới hạn số lần.
Trước đây, Mỹ đưa ra đạo luật Giấc mơ nhằm đem đến cơ hội nhập quốc tịch Mỹ cho những thanh niên nước ngoài đến Mỹ khi còn là trẻ em. Tuy nhiên, đạo luật này không được Quốc hội ban hành.
Những người trẻ được đưa trái phép tới Mỹ hoặc quá hạn visa khi họ là trẻ em thường được gọi là người mộng tưởng.
Gần hai năm trước, đạo luật Giấc mơ được thông qua tại Hạ viện, nhưng bị phe Cộng hòa trong Thượng viện phản đối.
Họ cho rằng, nếu được thông qua, đạo luật này sẽ khuyến khích người nước ngoài sang Mỹ trái phép.
Tuy nhiên, những người ủng hộ nói rằng, đạo luật giúp những người được nuôi dạy như là công dân Mỹ, nhưng thiếu địa vị pháp lý và đó không phải là lỗi của họ.
Ông Obama bị cộng đồng cử tri gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chỉ trích vì tăng cường trục xuất trong nhiệm kỳ của ông và không thực hiện cải cách nhập cư toàn diện trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống như đã hứa lúc tranh cử.
Năm ngoái, Tổng thống Obama vài lần nói với cộng đồng cử tri này rằng, việc ra sắc lệnh dừng trục xuất một số đối tượng người nhập cư là không thể về mặt pháp lý.
Nhiều người nhập cư chưa hiểu tại sao ông Obama thay đổi quyết định.
Một số đảng viên đảng Cộng hòa, những người phản đối đạo luật Giấc mơ, cho rằng, với chính sách mới tạo điều kiện cho người nhập cư trái phép, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đặt vấn đề chính trị lên trên sự lãnh đạo đất nước.
Minh Long
Theo BBC, CNN