Mỹ học cách đối phó 'rồng lửa' S-300 từ Ukraine

Sau nhiều thập kỷ nâng cấp, dù không có khác biệt nhiều về hình dáng bên ngoài, nhưng tổ hợp S-300 của Nga gần như khác biệt hoàn toàn với phiên bản S-300 của Ukraine.
Sau nhiều thập kỷ nâng cấp, dù không có khác biệt nhiều về hình dáng bên ngoài, nhưng tổ hợp S-300 của Nga gần như khác biệt hoàn toàn với phiên bản S-300 của Ukraine.
Đằng sau những tuyên bố cứng rắn về việc Nga chuyển giao các tổ hợp S-300PM cho Syria sẽ không ảnh hưởng tới chiến lược của Washington đối với quốc gia Cận Đông này; khôi phục hoạt động của máy bay chiến đấu F-22 và F-16CJ tới Syria, Mỹ thực tế đang tìm cách đối phó với S-300 thông qua cuộc tập trận chung với Quân đội Ukraine.

Dù không công khai thông tin này, nhưng những yêu cầu đặc biệt của Mỹ để các đơn vị không quân được thử thách với các đơn vị phòng không S-300 của Ukraine trong cuộc tập trận chung Clean Sky-2018 không qua mắt được giới chuyên gia quân sự quốc tế. Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, những nỗ lực nói trên của Washington sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn vì sự khác biệt của tổ hợp S-300 sản xuất từ những năm 1980 dưới thời Liên Xô với thế hệ S-300 hiện đại của Nga sau nhiều gói nâng cấp, cũng như chiến thuật tác chiến S-300 hoàn toàn mới của Quân đội Nga hiện nay.

Yêu cầu bất ngờ được tập trận cùng S-300 của Mỹ

Theo thông tin được công khai, kịch bản cuộc tập trận Clean Sky-2018 đã được Ukraine và NATO thống nhất từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, tới đầu tháng 10-2018, phía Mỹ đã bất ngờ đề nghị thay đổi kế hoạch tập trận chung với với nhiều bổ sung đáng kể về phương thức, cũng như số lượng nhiệm vụ cần thực hiện. Trong đó, một điểm đáng chú ý là việc Lầu Năm góc muốn không quân Mỹ và NATO được “thử sức” với S-300.

Ngoài ra, hoạt động áp chế, tiêu diệt phòng không ban đầu chỉ nhiệm vụ thứ cấp đã được thay đổi thành nhiệm vụ chính của cuộc tập trận Clean Sky-2018 vào phút chót theo đề nghị của Mỹ. Quy mô của các đơn vị phòng không Ukraine tham gia tập trận cũng được tăng cường đáng kể. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 9-10, toàn bộ hệ thống phòng không-không quân nước này, bao gồm cả các đơn vị S-300, đều phải tham gia cuộc tập trận Clean Sky-2018 và sẽ có các cuộc đối đầu giả lập với Không quân Mỹ.

Đánh giá về động thái trên của Mỹ tại cuộc tập trận Clean Sky-2018, chuyên gia quân sự Belarus, Valery Gonchar nhận xét, Washington đang muốn tìm phương án đối phó hiệu quả với tổ hợp tên lửa phòng không S-300 Nga vừa chuyển giao cho Syria bằng không quân. Ngoài ra, quy mô và phương thức diễn tập tại Clean Sky-2018 cũng chỉ ra việc Mỹ đang cố gắng tìm ra điểm yếu, cũng như tăng cường kinh nghiệm thực chiến cho các kíp phi công khi đối đầu với S-300. Đặc biệt, đối thủ giả lập của Không quân Mỹ là Ukraine, một quốc gia từng nằm trong Liên Xô và đã hàng chục năm kinh nghiệm sử dụng S-300.

Theo quan điểm của chuyên gia Valery Gonchar, trong quá khứ, Mỹ từng thu thập kinh nghiệm đối phó với S-300 thông qua các cuộc tập trận với Hy Lạp. Tuy nhiên, những bài học thực chiến thu được chưa làm thỏa mãn các chuyên gia hoạch định chiến lược tại Lầu Năm góc vì S-300 của Hy Lạp chỉ là phiên bản xuất khẩu và chiến thuật sử dụng dòng tên lửa phòng không S-300 của Liên Xô và Nga hoàn toàn khác biệt so với Hy Lạp.

Mỹ đã thu được kinh nghiệm đối phó hiệu quả với S-300 từ Ukraine?

Chuyên gia quân sự Nga Andrei Kotz đánh giá, với cuộc tập trận Clean Sky-2018, giới chức Không quân Mỹ kỳ vọng sẽ thu được những kinh nghiệm quý giá khi đối đầu với S-300 được điều khiển bởi kíp điều khiển Ukraine vốn được đào tạo theo phong cách Liên Xô. Đây cũng là phương pháp tốt, hiệu quả nhất để tiếp cận với chiến thuật sử dụng S-300 của Quân đội Nga hiện nay vốn có chung nền tảng từ thời Liên Xô với Ukraine.

Điều này rất hợp logic, khi chuyên gia Nga đang huấn luyện các kíp điều khiển Syria làm chủ tổ hợp S-300 được chuyển giao và giáo án giảng dạy của họ sẽ có nhiều nét tương đồng từ thời Liên Xô. Các kinh nghiệm đối phó với S-300 học được từ Ukraine có thể hữu ích khi không quân Mỹ đụng độ S-300 tại Syria.

Tuy nhiên, một điều giới chức quân sự Mỹ không tính tới và đã được thể hiện qua cuộc tập trận Clean Sky-2018 là việc sĩ quan, binh sĩ phòng không Ukraine đã nhiều năm không được huấn luyện đầy đủ, cũng như diễn tập có thực binh. Điều này dẫn tới việc họ không còn những kỹ năng chiến đấu hiệu quả. Hệ quả của sự thiếu kinh nghiệm, cũng như huấn luyện kém của phòng không Ukraine từng dẫn tới những thảm họa trong quá khứ. Một ví dụ cụ thể nhất là tên lửa phòng không Ukraine đã bắn nhầm một máy bay chở khách Tu-154, khi nó đang trên hành trình từ Israel tới Nga năm 2001.

Cùng với đó, những kinh nghiệm đối phó với S-300 Mỹ thu được tại Ukraine cũng vô dụng vì chiến thuật sử dụng S-300, cũng như cách tổ chức tác chiến dòng tên lửa phòng không này của Nga đã rất khác biệt so với thời Liên Xô. Điều này có liên quan tới sự tiến bộ của công nghệ trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các tổ hợp S-300 tin cậy hơn, uy lực hơn và khó đối phó hơn.

Chuyên gia Andrei Kotz nhấn mạnh, những biến thể S-300 Ukraine đang sử dụng là sản phẩm của thập kỷ 1980, còn các tổ hợp S-300 của Nga đã hoàn toàn khác biệt sau nhiều gói nâng cấp về hệ thống điều khiển số hóa, ra-đa, đạn tên lửa đánh chặn. Về cơ bản, S-300 hiện tại của Nga đã là tổ hợp tên lửa gần như mới và khác biệt cơ bản so với các sản phẩm những năm 1980.

Đối đầu với S-300, các máy bay thế hệ 5 của Mỹ sẽ không phát huy được ưu thế tàng hình như quảng cáo. Các máy bay F-22 và F-35 có thể đạt được hiệu quả tàng hình nhất định đối với tín hiệu ra-đa băng tần S, nhưng đối với băng tần VHF, nó sẽ hiện rõ trên màn hình ra-đa như máy bay chiến đấu thế hệ cũ.

“Lầu Năm góc sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi định sử dụng các máy bay hiện đại nhất của họ đối đầu với S-300. Việc này giống như con dao hai lưỡi. Chỉ cần một máy bay như F-22 hay F-35 bị bắn hạ, những tổn thất về danh tiếng cho các tập đoàn vũ khí Mỹ là không thể bù đắp”, chuyên gia Andrei Kotz cho biết.

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG