Ca cấy ghép được thực hiện tại bệnh viện Langone ở New York, Mỹ, sử dụng quả thận từ một con lợn đã được thay đổi gien để các tế bào không còn chứa phân tử có thể kích hoạt cơ chế đào thải ngay lập tức.
Người nhận là một bệnh nhân chết não có dấu hiệu rối loạn chức năng thận. Gia đình nữ bệnh nhân đồng ý cho cấy ghép thử nghiệm trước khi rút ống thở, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong 3 ngày, quả thận được ghép với các mạch máu và để bên ngoài cơ thể người bệnh nhằm giúp các bác sĩ dễ dàng thao tác.
Kết quả xét nghiệm các chức năng của quả thận sau khi cấy ghép “trông khá bình thường”, TS Robert Montgemory, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
TS Montgemory cho biết hàm lượng creatinine bất thường – chỉ dấu thể hiện chức năng thận kém – đã trở lại bình thường sau phẫu thuật cấy ghép.
Tại Mỹ, hiện có gần 107.000 người đang chờ được cấy ghép nội tạng, trong đó có hơn 90.000 chờ ghép thận. Những người chờ ghép thường phải đợi trung bình 3 – 5 năm.
Trong mấy thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu nỗ lực để biến khả năng cấy ghép nội tạng động vật cho người trở thành hiện thực, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn cơ thể phản ứng đào thải.
Nhóm của TS Montgomery đưa ra giả thuyết rằng việc loại bỏ gien gây ra hiện tượng đào thải, gọi là alpha-gal, sẽ giải quyết được vấn đề.
GalSafe là giống lợn được hãng United Therapeutics Corp chỉnh sửa gien và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép từ tháng 12/2020 để làm thực phẩm cho những người bị dị ứng với thịt và có tiềm năng sử dụng để cấy ghép nội tạng cho người.
Các nhà nghiên cứu khác đang tính xem liệu lợn GalSafe có thể cung cấp những bộ phận khác như da và van tim để cấy ghép cho người hay không.
TS Montgomery cho biết ông cũng là một người được ghép tim. Ông nói rằng ca cấy ghép thử nghiệm vừa qua sẽ mở đường cho những thử nghiệm đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, có thể trong năm sau hoặc 2 năm nữa.