Mỹ đưa máy bay không người lái đến châu Á
> Mỹ dùng máy bay không người lái ở Libya
Những máy bay không người lái có tầm hoạt động rộng, xuất phát từ các tàu sân bay, sẽ là vũ khí tương lai của Mỹ để đối chọi sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc.
Máy bay không người lái X-47B bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 2-2011 tại căn cứ quân sự Edwards ở California. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Mỹ lâu nay hoàn toàn im lặng về loại máy bay không người lái trên biển. Nhưng theo AP, một quan chức hải quân Mỹ vừa khẳng định Mỹ có thể sẽ triển khai một số máy bay loại này đến châu Á.
“Máy bay không người lái sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động quân sự tương lai của chúng tôi trong khu vực châu Á” - phó đô đốc Scott Van Buskirk nhấn mạnh. Ông là chỉ huy hạm đội 7 đang hoạt động trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Báo Seattle Post Intelligencer dẫn lời giới phân tích quân sự cho rằng Mỹ phát triển loại máy bay không người lái trên biển nhằm đối phó với thách thức do những tiến bộ quân sự gần đây của Trung Quốc đặt ra, mà nổi bật nhất là tên lửa “sát thủ tàu sân bay” đang được phát triển.
Theo một báo cáo năm 2008 của hai nhà phân tích quân sự Tom Ehrhard và Robort Work, các máy bay không người lái trên biển của Mỹ dự kiến có thể hoạt động trong vòng bán kính 2.780km liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu và tham gia không kích liên tục 50-100 giờ, so với tối đa 10 giờ của loại máy bay có người lái. Hải quân và không quân Mỹ từng tham gia tài trợ các dự án phát triển máy bay không người lái cho tàu sân bay từ đầu năm 2000, nhưng vào năm 2005 không quân Mỹ rút lui để một mình hải quân tiếp tục. |
“Tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là một thách thức lớn, lâu dài mà Mỹ cần phải chuẩn bị cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các phương tiện tự động, trên không cũng như dưới biển, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng để đối phó với thách thức tiềm tàng đó” - ông Patrick Cronin, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm an ninh Mỹ mới có trụ sở tại Washington, nhận định.
Vẫn theo AP, mặc dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện còn thua xa so với Mỹ nhiều thập niên, song khả năng phát triển sức mạnh không quân, hải quân và tên lửa của nước này có thể thách thức vai trò thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhất là khả năng bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng cùng các đồng minh Nhật, Hàn.
“Hệ thống máy bay không người lái trang bị cho tàu sân bay một khả năng rất lớn, đặc biệt là tăng phạm vi và thời gian hoạt động do thám, cũng như khả năng tấn công nhanh các mục tiêu” - ông Van Buskirk nhấn mạnh.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, máy bay không người lái trên biển có thể được triển khai trên bất kỳ tàu sân bay nào trong số 11 tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động khắp thế giới, và như vậy không chỉ phát triển để đối phó riêng với Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin về tiến bộ trong chương trình phát triển tên lửa của Trung Quốc đã khiến chương trình phát triển máy bay không người lái trên biển của Mỹ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” DF 21D của Trung Quốc được thiết kế để phóng từ đất liền với độ chính xác đủ để bắn trúng tàu sân bay đang di chuyển từ khoảng cách hơn 1.500km. Mặc dù vẫn chưa được kiểm chứng và theo một số nhà phân tích, khả năng của nó đã được phóng đại, nhưng đến nay chưa có nước nào sở hữu một loại vũ khí như thế. Các chiến đấu cơ của hải quân Mỹ hiện chỉ có thể hoạt động với tầm xa 900km, khiến tàu sân bay dễ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.
Đô đốc Gray Roughhead, chỉ huy các chiến dịch hải quân, cảnh báo mục tiêu có nhiều máy bay ném bom không người lái sẵn sàng chiến đấu vào năm 2018 là “quá chậm”. “Chúng ta cần phải nhận thức nghiêm túc rằng việc trang bị máy bay không người lái trên biển là cấp thiết đối với Mỹ” - ông Roughhead từng phát biểu tại một hội thảo.
Thật ra, rất nhiều hãng sản xuất máy bay của Mỹ đã tham gia chạy đua để giành hợp đồng sản xuất loại máy bay này cho tàu sân bay. Chẳng hạn, Northrop Grumman giành được hợp đồng sáu năm trị giá 635,8 triệu USD để sản xuất hai loại máy bay không người lái được thử nghiệm sơ bộ vào năm 2013. Trong đó có chiếc X-47B của hãng này đã bay thử nghiệm lần đầu suốt 29 phút vào tháng 2-2011 tại căn cứ quân sự Edwards ở California.
Boeing và Lockheed cũng tham gia cuộc chơi. Tập đoàn General Atomics Aeronautical Systems - từng sản xuất máy bay không người lái được sử dụng ở chiến trường Afghanistan - cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng người phát ngôn Kimberly Kasitz cho biết chưa đến thời điểm để tiết lộ quá nhiều thông tin.
Theo Duy phúc
Tuổi Trẻ