Mỹ có loại vũ khí vô hiệu hoá tên lửa Triều Tiên

Một tên lửa CHAMP sử dụng vi sóng để phá hệ thống điện của tên lửa và bệ phóng của đối phương. Ảnh: NBC News.
Một tên lửa CHAMP sử dụng vi sóng để phá hệ thống điện của tên lửa và bệ phóng của đối phương. Ảnh: NBC News.
TP - Đó là loại vũ khí sử dụng vi sóng mà giới chuyên gia trong ngành tin rằng có thể ngăn Triều Tiên phóng tên lửa bằng cách phá hỏng hệ thống điện của tên lửa và hệ thống phóng.

Vũ khí vi sóng (gọi tắt là CHAMP) được mang ra thảo luận tại một cuộc họp của Nhà Trắng vào tháng 8 năm nay để bàn về Triều Tiên, NBC News dẫn lời hai quan chức Mỹ nắm được vấn đề. CHAMP có thể được gắn vào tên lửa hành trình và được máy bay ném bom B-52 phóng đi từ trên không. Với tầm xa 700 dặm, chúng có thể bay vào không phận của đối phương ở tầm thấp rồi phóng ra các tia năng lượng dạng vi sóng để vô hiệu hóa các hệ thống điện.

“Tín hiệu vi sóng cường độ cao rất hiệu quả trong việc phá hoại hoặc có thể vô hiệu hóa các mạch điện”, bà Mary Lou Robinson, trưởng phòng phát triển vũ khí thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân tại Albuquerque, bang New Mexico, nói với NBC News. Những người ủng hộ biện pháp này cho rằng, nó có thể được dùng để chặn Triều Tiên phóng tên lửa bằng cách tấn công vào hệ thống kiểm soát mặt đất và hệ thống mạch trong các tên lửa.

Giải thích về cách thức hoạt động của vũ khí CHAMP, Thượng nghị sĩ Martin Heinrich, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, so sánh như việc đưa vật thể kim loại vào lò vi sóng. “Các trung tâm điều khiển và kiểm soát có các hệ thống điện rất dễ bị tổn thương vì vi sóng cường độ cao”, Trung tướng David Deptula, người chỉ huy các chiến dịch trên không tại Afghanistan và Iraq, cho biết. Ông Deptula gần đây nghỉ hưu sau khi đảm nhiệm vị trí giám đốc tình báo không quân Mỹ.

Không quân Mỹ và các cơ quan khác thuộc chính phủ Mỹ đã phối hợp tìm cách vũ khí hóa vi sóng trong suốt 2 thập kỷ qua. Nhiều thiết bị phát vi sóng đã được thử trên mặt đất tại Afghanistan và Iraq cũng như được sử dụng để vô hiệu hóa thiết bị gây nổ và máy bay không người lái cỡ nhỏ. Nhưng việc chuyển vi sóng cường độ cao thành vũ khí chiến lược bị chậm lại do sự cần thiết phải thu nhỏ kích thước và trọng lượng của thiết bị phát đến mức có thể sử dụng nguồn điện trên máy bay để phóng vi sóng.

Sắp sẵn sàng

Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân bắt đầu nghiên cứu về CHAMP (tên đầy đủ là Dự án tên lửa tiên tiến sử dụng vi sóng cường độ cao) từ tháng 4/2009. Phòng thí nghiệm này gắn thiết bị phóng HPM vào tên lửa hành trình phi hạt nhân phóng từ trên không do hãng Boeing chế tạo.

Đến tháng 10/2012, theo tài liệu của Không quân Mỹ, CHAMP đã sẵn sàng để hoạt động thử. Máy bay ném bom B-52 phóng một tên lửa tại khu vực bãi thử và huấn luyện ở Utah rộng khoảng 2.500 dặm vuông. Các tòa nhà mô phỏng được gắn hệ thống máy tính và thông tin liên lạc để mô phỏng năng lực của đối phương. “Mọi thứ gần giống với thực tế mà chúng ta có thể gặp phải”, ông Keith Coleman, quản lý chương trình CHAMP của Boeing, nói sau vụ thử. “Nó hoạt động chính xác như chúng tôi đã nghĩ. Chúng tôi phải xử lý nhiều lớp mục tiêu khác nhau trong các tòa nhà đó, và chúng tôi dự báo với độ chính xác 100% cách các hệ thống bị ảnh hưởng và bị tê liệt”, bà Robinson nói.

Vụ thử năm 2012 là trường hợp duy nhất từng được Lầu Năm Góc giải mật. Sau đó còn có thêm các vụ thử nghiệm, thí nghiệm nhằm nâng cao công nghệ vi sóng. Một nguồn điện mới được bổ sung để biến vũ khí vi sóng thành thứ mà Không quân Mỹ gọi là “Siêu CHAMP”.

Theo một tài liệu đề tháng 12/2016 của Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân, tên lửa tầm thấp giờ đây “có thể bay vào một khu vực có chiến tranh và vô hiệu hóa các hệ thống điện của kẻ thù”. Bà Robinson nói rằng “không có nghi ngờ gì” về khả năng hoạt động của CHAMP.

Liệu vũ khí vi sóng có thực sự được sử dụng để đối phó Triều Tiên? Ông Deptula nói rằng, ông tin Mỹ có thể dùng CHAMP để vô hiệu hoá tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngay trên bệ phóng, và có rất nhiều lợi thế khi sử dụng vũ khí vi sóng trong bối cảnh Triều Tiên. Chuyên gia này cho biết, vũ khí vi sóng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bắn ra các tia nhanh ngang tốc độ ánh sáng để đạt tới hiệu quả mong muốn. Hạn chế chính của loại vũ khí này là vi sóng do máy phát CHAMP phát ra “không đi xa lắm”, bà Robinson cho biết. Bà nói rằng, để vô hiệu hệ thống thiết bị điện của tên lửa hoặc bệ phóng, CHAMP phải tiến khá gần mục tiêu. Gần đến mức nào không được phép tiết lộ, nhưng không đến mức chỉ vài chục mét, bà Robinson nói. Chuyên gia này tiết lộ rằng, chỉ cần thêm một chút thời gian để hoàn thiện vũ khí vi sóng. Hai quan chức của Không quân Mỹ nắm được kế hoạch cho biết CHAMP sẽ sớm sẵn sàng hoạt động, có thể trong ít ngày nữa. Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này.

Quan chức LHQ thăm Triều Tiên

Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc  (LHQ) có chuyến thăm 4 ngày đến Triều Tiên, bắt đầu từ hôm 5/12, để gặp Ngoại trưởng Ri Yong Ho và các quan chức khác của Triều Tiên. Chuyến thăm của Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách chính trị Jeffrey Feltman được sắp xếp sau khi LHQ nhận được thư mời từ Bình Nhưỡng tham gia đối thoại chính trị, cơ quan phụ trách chính trị của LHQ cho biết trên Twitter.

Chuyến thăm của ông Feltman diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mà họ nói là có thể bắn đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ nơi nào ở Mỹ. Trong những ngày này, Mỹ và Hàn Quốc đang tập trận chung quy mô lớn với 230 máy bay và 12.000 lính Mỹ, khiến Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ cân nhắc “các biện pháp đáp trả cứng rắn mức độ cao nhất trong lịch sử”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin.

MỚI - NÓNG