Mưu sinh trên đá, trong giá rét

Trao chăn ấm cho người dân Hà Quảng, Cao Bằng
Trao chăn ấm cho người dân Hà Quảng, Cao Bằng
TP - Hà Quảng được người dân Cao Bằng gọi là cái nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, hơn chín phần đá chưa được một phần đất. Cái lạnh cắt da thấu thịt.
Cậu bé đói và rét trên mương
Cậu bé đói và rét trên mương.

Trải qua quãng đường heo hút, hiểm trở cách thị xã Cao Bằng chừng 80km, chúng tôi có mặt tại huyện Hà Quảng. Trước mắt hiện ra một dãy núi trùng điệp, một cánh đồng toàn đá.

Theo quan sát của phóng viên, trong cái giá lạnh như cắt da, thịt, nhiều người dân vẫn ra đồng cầy cuốc. Những em nhỏ vẫn miệt mài nhổ cỏ trên nương. Những con trâu gầy nhẳng vẫn hì hục kéo cày. Một bà mẹ vừa địu đứa con chừng 1 tuổi vừa phát cây cỏ trên mảnh ruộng giữa rừng núi hoang vu lạnh ngắt, gần đó, cậu con trai 5 tuổi đang gặm củ khoai nướng, thức ăn duy nhất cho bữa trưa.

Cày cuốc giữa trời rét trên mảnh ruộng đất ít đá nhiều
Cày cuốc giữa trời rét trên mảnh ruộng đất ít đá nhiều.

Ông Bế Thanh Giám, Phó Bí thư thường trực huyện Hà Quảng cho biết, nguồn mưu sinh chính của người dân nơi đây là trồng ngô trên những thửa ruộng toàn đá lởm chớm chỉ có chút ít đất. Ông Giám: “Nếu có con gì ăn được đá ở đây, chắc chắn người dân Hà Quảng sẽ giàu”.

Trong mấy ngày qua, nhiệt độ ở đây có lúc xuống tới 3 độ C. Người dân còn phải đối mặt với việc thiếu nước trầm trọng. Nguồn nước chính ở đây là hứng từ nước mưa, một năm chỉ có 3 tháng mưa là tháng 5, 6, 7, nhưng lượng mưa lại rất ít, các gia đình phải dùng bồn, chum chứa nước tích lại, tuy nhiên những chiếc bồn, chum này không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân sử dụng một cách tiết kiệm nhất trong một năm. Vì vậy những chiếc chum, bồn chứa hứng nước mưa cũng chỉ dùng được trong vòng 3 hoặc 4 tháng.

Chị Nông Thị Thúy - người dân nơi đây nói, muốn có nước bà con phải đi từ 15 đến 20km, có nhanh cũng phải mất một ngày trời đi bộ, song mỗi lần đi lấy nước cũng chỉ gánh được chừng 20 lít, số nước này sẽ sử dụng cho cả tuần. Vì vậy để nấu được cơm, phải tận dụng từng giọt nước, dùng nước vo gạo, rửa rau, rồi lấy nước rửa rau để rửa bát, rửa tay chân…

Trao chăn ấm cho người dân Hà Quảng, Cao Bằng
Trao chăn ấm cho người dân Hà Quảng, Cao Bằng.

Biết được tin báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Cao Bằng trao chăn ấm, hàng trăm người dân Hà Quảng đã ra đường chờ từ sáng sớm. Trong ngày 15-1, đại diện báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn Cao Bằng đã trao tận tay 100 chăn ấm cho bà con huyện Hà Quảng.

Các em nhỏ ở trường THPT Lục Khu, Hà Quảng và bà con ở đây gửi lời cảm ơn đến hoa hậu, các Á hậu Việt Nam 2010, bạn đọc và cán bộ phóng viên báo Tiền Phong đã chia sẻ hơi ấm với họ trong giá rét.

Tiền Phong kêu gọi bạn đọc tiếp tục quyên góp tiền, chăn màn, quần áo ấm... để gửi cho đồng bào. Việc giúp đỡ có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua báo Tiền Phong.

- Bằng hiện vật: Ban Bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội và các văn phòng đại diện: Tại Miền Trung - 19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng; tại Tây Nguyên - 26 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; tại TP Hồ Chí Minh - 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP HCM; tại Đồng bằng Sông Cửu Long - 46A, Quốc lộ 1B, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ; tại Thừa Thiên - Huế - 22B Lê Lợi, TP Huế; tại Nghệ An - 21 Hồ Xuân Hương, TP Vinh, Nghệ An.

- Bằng tiền: Gửi về tài khoản: báo Tiền Phong, số tài khoản 12310000062175 tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quang Trung, Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.