Muốn vay vốn phải có ‘phí bôi trơn’?
> Tăng trưởng tín dụng âm, ngân hàng vẫn lời nghìn tỷ
Khảo sát của dự án "Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại VN" (ITBI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN thực hiện, các DN được phỏng vấn thừa nhận “khi vay vốn đều phải lại quả cho ngân hàng”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Thường vay vốn đều phải lại quả…
Làm ăn thì đồng vốn là đặc biệt quan trọng, nhất là với các DN thuộc lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Vì thế, đa số các DN được dự án chọn phỏng vấn sâu đều thừa nhận họ đã có “lại quả” cho ngân hàng (NH), cũng thực chất là nhắm vào “con cá rô” phía sau “con săn sắt”.
Tuy nhiên từ thói quen này khiến DN lại trở thành nạn nhân của mình vì NH đã “quen mui, bén mùi...”. Một DN đã “tự thú” tại cuộc thảo luận nhóm tại TPHCM: “Thường khi vay vốn cũng phải “lại quả” cho bên NH, để họ ưu tiên cho mình thì bắt buộc phải trả một khoản phí. Nhưng bản thân mình phải lobby cho cán bộ thẩm định, cán bộ lo tư vấn hồ sơ... Nhiều khi theo quy trình họ nói phải trả phần trăm này, phần trăm kia”.
Có tới 16,75% số DN được hỏi cho biết, khi tiếp cận nguồn vốn họ sử dụng dịch vụ tư vấn vay vốn hoặc trung gian môi giới. Đây chưa gọi là tham nhũng, song cũng khiến DN mất một khoản phí không nhỏ bình quân là 2,8% tổng vốn được vay. Cá biệt chi phí này có thể đến - 10%.
Mặt khác, còn những chi phí không thể minh bạch chỉ có DN trực tiếp vay vốn mới biết. Thế nên không phải không có tình trạng NH méo mặt ôm tiền thừa trong khi DN đói vốn, giải thể bởi không “giải” được cái gạch nối “phí bôi trơn”.
Về các khoản vốn vay từ các khoản hỗ trợ của Nhà nước, có tới 63,1% số người được hỏi cho rằng thủ tục rất phức tạp, 68,6% cho là rất mất thời gian, 47,6% cho rằng cần có “bồi dưỡng” và 60,6% cho là phải có mối quan hệ với NH hoặc cán bộ tín dụng.
Một số DN được phỏng vấn cho rằng DN vừa và nhỏ, hoạt động nghiêm chỉnh có nhu cầu thật sự cũng không thể tiếp cận vì chi phí bỏ ra quá cao, vượt xa khả năng đáp ứng của DN.
Lỗi tại kiểm soát?
Trong một cuộc phỏng vấn với đại diện của một NH thương mại, thông thường các quyết định cho vay tín dụng là được phê duyệt trên cơ sở một hệ thống các cấp quản lý và các cấp phê duyệt khác nhau. Vì thế cán bộ tín dụng thường không có quyền quyết định trong những hoạt động liên quan như cho vay, chứng từ, hồ sơ giải ngân... Song có thể một số cán bộ tín dụng, kho quỹ đã có hành vi tham nhũng nhất định khi tiến hành hoạt động giải ngân với khách hàng, ăn chia phần trăm.
Các vụ án cho vay bằng sổ đỏ giả, bảo lãnh khống... xảy ra gần đây tại một số NH, khiến nhiều cán bộ NH phải hầu tòa đã thể hiện nhận xét của đại diện trên có phần nào chính xác.
Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là khả năng kiểm soát nội bộ của các NH có phải đang báo động? Bởi với một nơi nhạy cảm như NH thì cơ chế kiểm soát, an toàn an ninh nội bộ phải được coi trọng số hàng đầu.
Dự án ITBI đã nhận định: "Quan hệ giữa bên vay và cho vay đang là mảng tối tham nhũng, đặc biệt là các trường hợp vay vốn theo chương trình chính sách hỗ trợ của Nhà nước".
Để giảm tham nhũng trong lĩnh vực vay vốn các NH, theo ông Conrad Ferdinand Zellmann - Phó Giám đốc tổ chức hướng tới minh bạch (TT) cơ quan đầu mối của Tổ chức minh bạch quốc tế tại VN - dứt khoát phải minh bạch, công khai trong mọi hoạt động cho vay. Thậm chí, các DN phải có những bộ quy tắc ứng xử kiên quyết trong việc tặng quà biếu, tiếp khách, tổ chức tham quan nước ngoài để chống tham nhũng trá hình.
Theo Bích Liên
Lao Động