Dự thảo Luật Dân số:

Muốn phá thai phải chứng minh bị hãm hại…

Một phòng khám tại Hà Nội cung cấp dịch vụ nạo hút thai. Ảnh: Tuấn Anh
Một phòng khám tại Hà Nội cung cấp dịch vụ nạo hút thai. Ảnh: Tuấn Anh
TP - Dự thảo Luật Dân số đang có nhiều nội dung gây tranh cãi. Dự luật yêu cầu các trường hợp phá thai phải chứng minh loạn luân, hoặc bị hiếp dâm… Chuyện khám bệnh tiền hôn nhân cũng liệt kê cả tình huống mất năng lực hành vi dân sự…

Khó chứng minh bị hiếp dâm

Điều 21 của dự luật quy định về quyền của phụ nữ trong việc phá thai. Theo đó, phụ nữ được đình chỉ thai trong tình huống dưới 12 tuần tuổi, hoặc trong trường hợp có thai do bị loạn luân, hiếp dâm… Bàn về chế định này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là câu chuyện nực cười.

“Là một người phụ nữ, tôi quá hiểu tâm lý khi mang thai. Họ đã quá đau khổ khi phải bỏ đi giọt máu của mình do mang thai ngoài ý muốn, giờ lại bắt buộc họ phải chứng minh mình bị hiếp dâm hay bị người thân trong gia đình hãm hại là điều không tưởng. Bởi vậy, không thể ép nghĩa vụ chứng minh này cho các thai phụ được”, luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn Luật sư Hà Nội) lên tiếng.

Theo luật sư Thúy, chế định trên vi phạm nghiêm trọng đến đời tư, không tính đến tâm sinh lý bình thường của phụ nữ, gây khó về chuyện chứng minh tội phạm. Quan trọng hơn, điều này là bất khả thi. “Giả thiết một phụ nữ bị hiếp dâm. Sau đó, họ phải trải qua một quá trình tố tụng phức tạp để chứng minh tội phạm, thậm chí phải chờ đợi một bản án có hiệu lực của cơ quan toà án. Thời gian đó, tôi tin chắc đứa trẻ đã ra đời. Và như vậy, chế định phá thai còn có ý nghĩa nữa không?”, bà Thúy đặt câu hỏi.

Về góc độ tâm lý, tiến sỹ Dương Thị Loan - phụ trách bộ môn Tâm lý, Đại học Luật Hà Nội phân tích, thông thường người bị hiếp dâm hoặc bị người thân hãm hại (loạn luân) sẽ tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Họ thường rơi vào trạng thái thu mình, tự cô lập bản thân. “Bây giờ, cơ quan chức năng yêu cầu họ chứng minh bị hiếp dâm, loạn luân là điều quá khó, chứ không muốn nói là không tưởng. Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến cả một tương lai, nhiều người càng muốn giấu kín càng tốt”, tiến sỹ Loan khẳng định.

Cảnh báo hệ luỵ từ chế định trên, luật sư Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Cty luật Vimax Asia, Hà Nội) cho hay, nếu dứt khoát ép buộc những phụ nữ này phải chứng minh bị hiếp dâm, loạn luân khi phá thai, chẳng khác nào đẩy họ đến những dịch vụ y tế ngoài luồng, các phòng khám tư, hoặc thậm chí là những phương pháp tiêu cực. “Như vậy, tính mạng, sức khỏe của họ sẽ đặt vào tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết”, luật sư Toàn lo ngại.

Mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành

Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng quy định khám sức khoẻ tiền hôn nhân trong Dự thảo Luật Dân số chứa đựng nhiều mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, khoản 2, Điều 34 quy định nội dung và thông báo kết quả khám sức khỏe tiền hôn nhân, thể hiện: “Cơ sở cung cấp dịch vụ khám sức khoẻ tiền hôn nhân thông báo kết quả cho đối tượng hoặc cha, mẹ, người giám hộ nếu đối tượng mất năng lực hành vi dân sự”.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Cty luật Trung Nguyễn, Hà Nội, việc dự luật quy định nội dung người mất năng lực hành vi dân sự đi khám sức khỏe tiền hôn nhân là mâu thuẫn nghiêm trọng với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015.

Cụ thể, tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ, nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân là “tự nguyện”. Hoặc, tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định, một trong những điều kiện được kết hôn là “không mất năng lực hành vi dân sự”. Quay lại dự luật Dân số, đồng ý việc khám tiền hôn nhân là chưa kết hôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi nam, nữ đi khám tiền hôn nhân, nghĩa là, họ đã quá quá trình tìm hiểu, yêu đương và chuẩn bị cho một đám cưới, và hôn ước đã đến rất gần.

“Không thể xác định được ý chí chủ quan, tính tự nguyện của một người chuẩn bị tiến tới kết hôn khi họ mất năng lực hành vi dân sự. Bởi vậy, việc dự luật quy định những người này đi khám sức khoẻ để chuẩn bị cho hôn nhân là điều không chuẩn xác”, luật sư Trung nhận xét. 

Nguy cơ bùng nổ dân số?

Tại Điều 12 của dự thảo Luật Dân số quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, quy định: Các cặp vợ chồng có trách nhiệm, bình đẳng về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh theo quy định của Nhà nước. Trao đổi với báo giới về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Viết Tiến cho hay, trong 5 năm tới, nếu mức sinh thấp hơn hiện tại (2,1con), mới nên xem xét đến chính sách nới lỏng số lần sinh. Bởi lẽ, nếu áp dụng chính sách “thoải mái sinh con”, rất có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ dân số trong tương lai gần.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Toàn “hiến kế”, thay vì quy định “vô tư” sinh con, các cơ quan chuyên môn trong ban soạn thảo dự luật có thể nghĩ tới việc khống chế mức trần cho việc sinh con. “Tôi ví dụ như chế định cho phép sinh từ 1 đến 3 con là khá hợp lý”, luật sư Toàn nói.

MỚI - NÓNG