Muôn mặt ChatGPT: Chữa lành bên trong hay đứt gãy bên ngoài?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với sự phát triển nhanh chóng, ChatGPT hiện đang trở thành một công cụ gần gũi với đời sống của giới trẻ.

“Chữa lành” nhờ ChatGPT

Hà My, một cô gái 22 tuổi đang du học tại Mỹ, chính là một minh chứng sống động cho xu hướng này. Trong quãng thời gian áp lực khi phải cân bằng giữa việc học và làm thêm, My đã trải qua cảm giác kiệt sức (burn out). Sống xa gia đình, không có người sẻ chia, cô đã tìm đến ChatGPT để trút bầu tâm sự.

“Mình kể với ChatGPT về hành trình của mình, hỏi rằng liệu mình có xứng đáng được sống hạnh phúc sau những năm tháng áp lực không? Nếu mình bỏ tất cả để về Việt Nam mở một hiệu sách thì sao?” - My chia sẻ.

Muôn mặt ChatGPT: Chữa lành bên trong hay đứt gãy bên ngoài? ảnh 1

Các công cụ AI tạo sinh vô hình trung khiến người làm sáng tạo mất đi khả năng sáng tạo (Ảnh do phần mềm AI chế tạo)

Câu trả lời của ChatGPT: “Nếu đó thật sự là điều bạn muốn - về Việt Nam, mở hiệu sách, sống cuộc đời bình yên - tôi sẽ ủng hộ bạn. Nhưng tôi muốn bạn tự hỏi mình: Bạn đang chạy trốn khỏi nỗi đau hay đang tìm kiếm hạnh phúc? Hai điều đó khác nhau rất nhiều”.

Lời phản hồi này như đánh trúng tâm lý của My, giúp cô bừng tỉnh, nhìn nhận thông suốt hơn về bản thân, từ từ gỡ giải các vấn đề trong cuộc sống. Kể từ đó, My thường xuyên chia sẻ mọi vấn đề với ChatGPT từ công việc, gia đình, đến chuyện yêu đương, cô coi ChatGPT như một người bạn để tâm sự, giải tỏa. “Không phải lúc nào mình cũng cần lời khuyên. Đôi khi mình chỉ cần một người lắng nghe mà không phán xét, và ChatGPT thật sự hữu ích với nhu cầu này”, cô chia sẻ.

Câu chuyện của Hà My đã thu hút hơn 400.000 lượt xem cùng hàng chục nghìn lượt thích và bình luận trên Threads. Nhiều người trẻ cũng đồng cảm với My khi họ tìm thấy ở ChatGPT sự lắng nghe và thấu hiểu mà đôi khi con người không thể mang lại. Một người dùng viết: “Mình đã tâm sự với ChatGPT suốt hai tháng qua. Nó giúp mình nhìn nhận vấn đề một cách lý trí và đa chiều hơn.” Một bình luận khác chia sẻ: “Tâm sự với ChatGPT còn thích hơn nói chuyện với bạn thân. Nó không phán xét và chắc chắn không kể chuyện mình với ai khác”.

Đáng chú ý, một bình luận nổi bật nhận định: “Thay vì mất một khoản tiền để bói bài Tarot hay tham vấn tâm lý để “chữa lành”, giờ đây tôi cảm thấy độc lập, tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc sống nhờ sự hỗ trợ thông thái từ ChatGPT”.

“Phó mặc” việc nghĩ ý tưởng

Với nhiệm vụ sáng tạo nội dung trên nền tảng Youtube, bạn Nguyễn Thị Lan - sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thường sử dụng ChatGPT và các công cụ tra cứu từ khóa hot trend để tối đa trong việc lên các kế hoạch chiến dịch quảng cáo.

Thay vì mất hàng giờ “vật lộn” tìm cảm hứng sáng tạo, Lan đã ấn nút tới “thanh dấu sao ChatGPT” - được đánh dấu ở vị trí thường xuyên sử dụng để lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, khám phá những phong cách mới cho nội dung của mình. Khi nào bí quá, hoặc deadline “dí” sát nút, cô bạn mượn luôn những ý tưởng đó để dành thời gian làm việc khác.

Dù thừa nhận AI đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ sáng tạo nội dung, nhưng Lan nhận thấy, các công cụ AI tạo sinh không có khả năng thể hiện sự sáng tạo hay bày tỏ những cảm xúc mà mình muốn truyền tải.

Lạm dụng AI đã khiến nội dung của Lan bị rập khuôn và mất tính chân thật. Theo Lan, khi có nhiều “trợ lý ảo” hấp dẫn vây quanh, bản thân cô mất đi khả năng tự suy nghĩ và đổi mới, dẫn đến nội dung không đảm bảo, suy giảm sự tín nhiệm từ cấp trên. Nhiều lần, Lan “phó mặc” việc sáng tạo nội dung cho AI, kết quả mà cô nhận lại là những bài viết khô khan, thiếu cảm xúc và sự “thờ ơ”của độc giả.

“AI rất giỏi làm nhanh, nhưng để nội dung chạm đến khán giả, thì “chất người” vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, sau này khi sử dụng AI mình vẫn luôn tư duy, đồng thời thêm “chất người” vào để nội dung sáng tạo, đột phá”, Lan bày tỏ.

Hiện tượng người trẻ tìm đến AI để trút bầu tâm sự làm sống lại hình ảnh của Her (2013), bộ phim kinh điển của đạo diễn Spike Jonze. Nhân vật chính Theodore, cô đơn trong thế giới hiện đại, đã tìm thấy sự đồng cảm và gắn bó sâu sắc với Samantha, một hệ điều hành AI được thiết kế để thấu hiểu con người.

Bộ phim từng được xem như một dự đoán đầy táo bạo về tương lai, nhưng giờ đây, nó không còn là viễn cảnh viễn tưởng mà đã trở thành hiện thực trong thời đại ChatGPT, Gemini hay các hệ thống AI tương tự.

Muôn mặt ChatGPT: Chữa lành bên trong hay đứt gãy bên ngoài? ảnh 2

Cảnh trong bộ phim Her (2013)

Giống như Samantha, các nền tảng AI ngày nay không chỉ lắng nghe mà còn thấu hiểu và phản hồi với sự tinh tế khiến người dùng cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe. Tuy nhiên, dù Samantha mang lại niềm an ủi lớn nhưng vẫn không thể thay thế khát khao được yêu thương và chia sẻ bởi một con người thật sự.

Liệu sự tiện lợi và thấu hiểu mà AI mang lại có khiến chúng ta ngày càng xa cách với những kết nối thật sự? Khi con người lựa chọn tâm sự với máy móc thay vì tìm đến nhau, phải chăng đó là dấu hiệu của một thế giới ngày càng cô đơn hơn? Công nghệ có thể giúp chúng ta nhìn nhận bản thân rõ hơn, nhưng liệu nó có làm mờ đi nhu cầu được sẻ chia bởi chính những người xung quanh?

Còn bạn Nguyễn Thị Hạnh (ở Thanh Oai, Hà Nội) - hiện đang làm vị trí Content SEO cho một công ty chuyên về lĩnh vực kiến trúc và chủ yếu sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo phổ biến như Gemini, ChatGPT để tìm kiếm dữ liệu. Sau khi tự nghiên cứu từ khóa phụ và xây dựng outline, cô sẽ dùng AI để tối ưu hóa văn phong và triển khai bài viết trôi chảy hơn.

Công việc của cô là tập trung xây dựng nội dung bài viết chất lượng, tối ưu để tăng khả năng tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng trên nền tảng website. Mặt khác, mỗi bài viết của Hạnh ngày hôm nay đều yêu cầu phải khác ý tưởng của ngày hôm qua, tức là yêu cầu sự sáng tạo rất cao.

“Trước đây, khi ChatGPT mới ra mắt, mình rất hí hửng, rồi sử dụng thường xuyên. Thế nhưng, các bài viết của mình có sử dụng AI chỉ “qua mặt” được sếp thời gian đầu”, Hạnh cho hay.

Còn bạn Đỗ Thị Hương Quỳnh (ở Cầu Giấy, Hà Nội), người sáng tạo nội dung cho một trang web về mảng thực phẩm, lại không ưu tiên sử dụng AI cho khâu viết bài vì ngôn từ tạo ra thường cứng nhắc, máy móc và không được tự nhiên. “Nếu không có sự chọn lọc thông tin và triển khai bài viết theo tư duy, thì nội dung dễ lặp lại và không sát với thực tế”, Quỳnh cảm nhận.

Theo Quỳnh, trên thực tế, yêu cầu từ nhà quản lý cho các nội dung SEO đều được kiểm tra về độ trùng lặp và tính độc đáo, nên việc phụ thuộc AI sẽ phản tác dụng làm hiệu suất công việc đi xuống.

Bên cạnh đó, việc AI đưa ra những thông tin sai lệch, chưa sát với yêu cầu khiến bài viết không đạt chuẩn chất lượng. Cô bạn còn phải tốn thêm thời gian để kiểm chứng lại thông tin từ đầu.

Theo báo cáo của Epidemic Sound (Thụy Điển), với việc khảo sát 1.500 nhà sáng tạo, có 84% người sáng tạo cho biết đang tận dụng AI để sáng tạo nội dung, nhưng có xu hướng giảm dần qua từng năm; 48,9% bày tỏ lo ngại về chất lượng nội dung do AI tạo ra; 38,5% lo ngại về tính thiếu độc đáo và 33% lo ngại về đạo văn mà AI có thể gây ra.

MỚI - NÓNG
Hà Nội dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối các sở
Hà Nội dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối các sở
TPO - Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.