Muốn ly hôn vì chồng quá ... hà tiện

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Nhưng động cơ thực sự của việc làm đó là anh ấy tiếc tiền, sợ cô đi mua sẽ “vung tay quá trán”, sẽ bị mua đắt, sẽ mua những đồ không cần thiết, thậm chí có khi còn sợ cả vợ mình đi mua sẽ ăn bớt tiền của mình ấy.

Đọc xong câu chuyện "Chồng không bao giờ cho tôi cầm quá 50.000 đồngcủa cô, thật sự là tôi thấy quá ngạc nhiên bởi sức chịu đựng của cô với một ông chồng keo kiệt, bủn xỉn đến bần tiện như vậy.

Đành rằng tiết kiệm là tốt, không hoang phí, không tiêu pha vung vít là tốt, nhưng cái gì cần tiêu thì vẫn cứ phải chi, cái gì không thể chắt bóp được thì vẫn cứ phải tốn tiền.

Đằng này cả đời người được mấy lần đám cưới mà chồng cô tiết kiệm đến mức cái giường cưới cũng đi xin lại của chị gái, rồi vợ muốn được mặc hai cái áo cưới trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời người đàn bà thì chỉ cho mặc một cái với lý do tốn kém và thay ra thay vào mất thời gian!

Thế rồi đến chuyện chợ búa, cơm nước, chi tiêu hàng ngày cho cuộc sống gia đình, rồi cả bỉm, sữa, cả đồ dùng cá nhân cho vợ, con, anh ấy cũng dành “ôm” hết vào người để tự tay đi sắm sửa.

Nếu mới nghe qua sẽ tưởng anh ấy đầy trách nhiệm, đầy tình yêu thương với vợ con mình nên muốn tự tay mua sắm, chăm sóc cho những người mình yêu thương. Nhưng động cơ thực sự của việc làm đó là anh ấy tiếc tiền, sợ cô đi mua sẽ “vung tay quá trán”, sẽ bị mua đắt, sẽ mua những đồ không cần thiết, thậm chí có khi còn sợ cả vợ mình đi mua sẽ ăn bớt tiền của mình ấy.

Đến việc đóng tiền điện, tiền nước là những khoản sinh hoạt phí mà bất cứ một hộ dân nào cũng phải đóng góp. Mình dùng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu chứ có phải ai muốn ghi thêm, ghi bớt gì cũng được đâu. Vậy mà anh ấy cũng không đưa tiền cho vợ ở nhà đóng, để cô phải muối mặt hẹn đi hẹn lại cô nhân viên thu tiền nước ấy, rồi cũng vì khất nhiều lần quá mà cô nhận lãnh những lời nói không mấy thiện cảm của cô ấy. Chung quy tất tật cũng chỉ vì thói ky bo, bủn xỉn của chồng cô mà ra.

Con cô giờ cũng đã gần 2 tuổi rồi, có thể gửi nhà trẻ, cô còn chần chừ gì nữa mà không tìm việc để đi làm, để tự chủ tài chính chứ.

Đến cái quần, cái áo của hai mẹ con hay đồng quà tấm bánh mà cũng phải ngửa tay ra xin chồng, rồi đợi chồng “duyệt” mới có thể mua được thì tôi nói thật, cô chẳng phải là vợ anh ấy, cũng chẳng được như một người giúp việc đâu.

Nếu cô không mau mau đi làm thì cô cần phải trao đổi thẳng thắn với chồng mình để anh ấy thay đổi cách sống, cách xử sự với vợ.

Nếu không tôi nghĩ đúng như cô nói ấy, sức chịu đựng của con người có hạn và nhịn quá, có khi “tức nước vỡ bờ”, lại tan nát gia đình chỉ vì cái tính xấu ấy của chồng cô.

Mong cô sớm có giải pháp để thoát ra khỏi cảnh sống mệt mỏi này.

MỚI - NÓNG