Triển lãm ở Việt Nam đang được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp. Đến triển lãm, con bạn được học và trải nghiệm những thứ gần như mới nhất thế giới theo các chuyên ngành. Với học sinh phổ thông, thế là quá đủ!
Nếu đi du học về kỹ thuật, về khoa học máy tính, robot, tự động hóa thì triển lãm như thế này ngang với hàng trăm tiết học. Nếu học trong nước thì nhất định phải đến học.
Đến triển lãm, con bạn còn học được thêm đồ họa, mỹ thuật công nghiệp... những thứ mà học sinh, sinh viên ta kém và lạc hậu do sách giáo khoa thì vẽ không được ổn về mỹ thuật, học sinh ít đọc sách nên không có cảm giác về bìa sách. Không có đầu vào về mỹ thuật và nghệ thuật ở mức tối thiểu thì lấy gì sáng tạo, lấy đâu giá trị gia tăng, có gì để cạnh tranh quốc tế?
Thẳng thắn mà nói, từ năm 2012-2016, khi đi xem các poster thi khoa học kỹ thuật cho học sinh THPT cấp quốc gia (tôi là một trong 16 giám khảo đầu tiên của ViSEF, tham gia một lần duy nhất năm 2012), chỉ cần nhìn màu sắc từ xa là đã biết ngay đâu là poster của học sinh Trường Ams và chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội, nó khác vì trông khá “Tây”.
Ba năm gần đây, poster của học sinh cả nước trông đã có vẻ khá và khác hơn nhiều so với trước, đây là điều đáng mừng vì các tỉnh chịu khó học hỏi nhau. Mỹ thuật gắn với đời sống có thể học vô thức từ các triển lãm.
Tôi có một số học trò có huy chương Olympic toán quốc tế, không phải vì tôi dạy toán cho các bạn ấy mà là vì tôi dạy cho các bạn ấy những thứ... ngoài toán. Không ít lần các bạn đạt huy chương vàng, bạc, đồng toán quốc tế đã trực tiếp đứng bán sách ở các hội sách.
Có ba bạn đi Pháp học và trước khi đi, tôi đều nhắc dành thời gian vào các bảo tàng, triển lãm ở Paris, nhất là triển lãm hàng không vũ trụ to nhất thế giới. Cố gắng đi xem nghệ thuật ở nhà hát vì tôi biết khá rõ là Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn được như ngày hôm nay là do cha mẹ của các bạn rất chú ý tới những vấn đề nền tảng văn hóa như đọc sách, nghệ thuật và mỹ thuật. Sau này các bạn ấy còn giỏi cả sử, triết và hiểu biết về tôn giáo. Những thứ này là chất làm mát cho các bộ não có tư chất thông minh, khác nhau là ở chỗ này, để làm khoa học được lâu và đi được xa.
Một ý rất quan trọng là nếu có thời gian, phụ huynh nên đến xem trước, học hỏi trước để khi đến cùng con thì chủ động "mở đường" hoặc làm trợ thủ khi cần thiết.
Ở Việt Nam, những đứa trẻ dễ bị cô đơn khi khó tìm thấy tri kỷ trong đam mê và công việc của mình, và cha mẹ nhiều khi phải vào vai tri kỷ. Chán nhất là đọc xong cuốn sách rồi tịt, chả biết chia sẻ đúng sai, tốt xấu với ai.
Chán nhất là đi xem triển lãm không có ai bàn bạc về hay và dở, đôi khi cha mẹ phải vào vai người đối thoại, như vậy tri thức mới đi sâu vào não trẻ vì nó được tương tác và trải nghiệm trong cộng đồng cụ thể, nhiều khi chỉ là cha với con hoặc mẹ với con.