Xin giới thiệu bài viết của TS Trần Nam Dũng, người học tập, làm việc với anh Lê Bá Khánh Trình hơn 30 năm.
Năm 1979, Lê Bá Khánh Trình làm rạng danh Việt Nam khi giành điểm tuyệt đối 40/40 tại Olympic Toán học quốc tế (International Mathematical Olympiad - IMO). Cùng với huy chương vàng, Khánh Trình nhận thêm giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất. 41 mùa IMO, Khánh Trình vẫn là thí sinh Việt Nam duy nhất có được thành tích này.
Anh sau đó được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov và làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Khánh Trình trở về Việt Nam.
"Có đi thì có về thôi", anh trả lời như vậy khi có người hỏi "tại sao về nước khi bạn bè đi Đông đi Tây", khi ở nước ngoài có nhiều cơ hội phát triển.
Viện Toán học Việt Nam đã mời Lê Bá Khánh Trình về công tác, nhưng anh từ chối vì điều kiện làm việc, đi lại xa xôi. Anh chọn làm giảng viên khoa Toán - Tin, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. Mấy chục năm qua, Khánh Trình say mê với công việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức Toán cho các thế hệ học trò.
Không chỉ sinh viên trường Tự nhiên, anh còn dạy học sinh Phổ thông năng khiếu. Nhiều năm gần đây, anh tham gia tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển Việt Nam thi Toán quốc tế; là trưởng, hoặc phó đoàn Việt Nam dự IMO. Anh cũng tham gia huấn luyện cho đội tuyển IMO của Saudi Arabia từ năm 2015, giúp đoàn bạn đạt thành tích tốt trong các kỳ thi quốc tế.
Ở công việc, cương vị nào, người đàn ông sinh năm 1962 gốc Huế cũng làm với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và đầy cảm hứng. Anh ít viết bài, nhưng đã viết thì là "tuyệt phẩm". Hình học tĩnh và động của anh viết năm 2008 cho đến nay vẫn là bài viết kinh điển về phép biến hình.
"Tôi biết sức mình nên chọn công việc phù hợp nhất, nơi tôi phát huy được sở trường. Nếu làm khoa học hay quản lý, chắc tôi sẽ là nhà khoa học làng nhàng, nhà quản lý kém. Tôi làm giáo viên thấy tự tin và hợp sức mình nhất", anh đã nói như thế khi nhiều người đề cập chuyện thay đổi công việc.
Lê Bá Khánh Trình đa tài và đầy năng lượng
Trong mắt nhiều người, Lê Bá Khánh Trình là hiện tượng Toán học của Việt Nam. Sinh viên khoa Toán, Đại học Khoa học tự nhiên và học sinh trường Phổ thông năng khiếu biết đến thầy Trình nghiêm khắc, giảng dạy rất nhiệt tình. Đồng nghiệp, trong đó có các thầy tham gia Ban đề thi THPT quốc gia hay thi học sinh giỏi quốc gia, nhận xét thầy Trình - người tổ trưởng - cẩn thận, nghiêm túc, nhẹ nhàng (không bao giờ lên giọng trong tranh cãi).
Học tập, sống và làm việc với anh 33 năm, tôi còn thấy một Lê Bá Khánh Trình đa tài và đầy năng lượng. Anh chơi bóng bàn, bóng đá tốt. Trên sân bóng, anh vừa là thủ môn, vừa là tiền đạo xuất sắc của đội tuyển Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva (MGU). Anh là trưởng ban văn nghệ của sinh viên Việt Nam khoa Toán - Cơ bởi tài nhảy đẹp, biết chơi organ, guitar modern.
Khánh Trình còn có khả năng tập hợp anh em, sáng tác bài hát. Dù khoa Toán - Cơ thiếu nữ, thiếu tài năng văn nghệ nổi trội, nhưng 3 năm liền (1986, 1987, 1988) được giải nhất văn nghệ toàn trường và đại diện trường đoạt giải toàn thành phố.
Bài liên khúc “Dân ca 3 miền” nổi tiếng vì rất vui. Anh Trình đệm đàn cho các anh em hát. Bài hát có đoạn: Em suýt yêu anh rồi, nhưng tiếc cho anh rằng, người của anh quá dây, chẳng được như Tây/ Anh cố ăn cho nhiều chớ ham học mà xác xơ tiêu điều... Khán giả cười nghiêng ngả, cả mấy sinh viên Nga học tiếng Việt. Kết quả đội sinh viên Việt Nam đạt giải cao.
Khánh Trình đặc biệt quan tâm đến gia đình, bạn bè. Dù bận, anh luôn giành việc đi đón con. Thứ bảy, chủ nhật, nếu không đi công tác xa, anh sẽ dẫn vợ con đi Vũng Tàu nghỉ. Với bạn bè, anh biết cách giúp đỡ. Hồi tôi mới về nước, anh đến gặp và rủ về Đại học tổng hợp. Anh dắt tôi đến gặp anh Bùi Xuân Hải (phó khoa Toán lúc đó) và anh Lê Trung Hiếu (trưởng phòng Tổ chức cán bộ) để xin cho tôi về trường. Anh giới thiệu tôi với các thầy để xin cho tôi dạy...
Sau này tôi làm phong trào, tổ chức các hoạt động như Gặp gỡ toán học, tôi rủ anh tham gia. Anh nói: “Tớ không tham gia tổ chức được. Nhưng tớ sẽ đến dạy cho chú”. Và từ năm 2010 đến nay, không hoạt động nào tôi tổ chức mà không mời anh đến dạy và cũng không bao giờ anh từ chối.
Lần nào ra Bắc anh Trình cũng tìm gặp Phạm Ngọc Anh Cương bằng được. Là bạn cùng đội tuyển, anh Cương mắc bệnh không làm việc được. Anh Trình từng đưa bạn vào Sài Gòn dạy đội tuyển Phổ thông năng khiếu, nhưng anh Cương không ổn, đành ra Hà Nội. Đó là một tình bạn rất quý.
Lê Bá Khánh Trình cũng có phần nhút nhát. Hồi học bên Nga anh hay trêu mọi người, nhưng chính anh là đề tài trêu chọc của bạn bè. Mỗi lần thấy anh để ý ai là cả nhóm xúm vào trêu. Lâu dần anh sợ không dám giới thiệu. Anh thường ngại đến chỗ đông người, sang trọng. Mời dự tiệc, bao giờ anh cũng hỏi thành phần có ai và chỉ khi nào thấy người quen nhiều hơn người lạ thì mới nhận lời.
Dù thu nhập không thấp, anh Trình luôn giản dị, nhà anh bài trí đơn giản. Lúc còn độc thân, anh ở trên lầu cao nhất và chỉ có một cây đàn organ, một chiếc giường lớn và mấy tủ sách, tủ rượu. Đi vào hàng quán, bao giờ anh cũng hỏi giá cả cẩn thận. Cho đến bây giờ anh vẫn dùng xe máy đi làm và đón con.
Nhát và khiêm nhường, nhưng thực ra anh là con rồng ẩn mình, lúc cần sẽ thể hiện. Năm 2013, các trưởng đoàn dự IMO trầm trồ thán phục màn nhảy ngẫu hứng của anh. Ở tổng kết Gặp gỡ toán học 2016, khi bị ép lên biểu diễn, anh đã cầm đàn và hát rất say sưa, chuyên nghiệp, khiến không khí buổi tổng kết nóng lên. Và trong đám cưới của tôi, anh cùng tôi lên nhảy, hát bài 60 năm cuộc đời làm quan khách dự tiệc ngạc nhiên.
Trong mắt tôi, anh Trình giản dị và đời thường. Với anh, ánh hào quang của thời học sinh chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Anh đang sống, yêu và làm việc hết mình với hiện tại, chẳng bao giờ đao to búa lớn.
TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM
Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983