> Từ 1/10, thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường. |
Nông dân có dấu hiệu nghèo đi
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới Hoàng Trọng Thủy bày tỏ, chúng ta đặt ra mục tiêu xây dựng giai cấp nông dân là lực lượng tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn quá thấp.
Đáng ra nông nghiệp tăng trưởng 1% thì phải được nhà nước đầu tư 3- 4% ngân sách. Trong khi đó, các chính sách an dân còn bấp bênh, nhiều khi nằm trong ngăn kéo. Trình độ dân trí của nông dân cao lên, nhưng thực hiện dân chủ còn hạn chế.
Chủ trương liên kết 4 nhà trong sản xuất thiếu chặt chẽ, không có nhà nào là trụ cột. Doanh nghiệp nhiều nơi không đồng hành mà “sống trên lưng” nông dân…Từ những thực tế này, ông Thủy nhận định “nông dân đang có dấu hiệu nghèo đi”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, đa số nông dân hiện nay vẫn là những hộ sản xuất quy mô nhỏ, có tới 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác. Thu nhập bình quân cư dân nông thôn chỉ bằng 76,6% bình quân chung cả nước. Hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo là nông dân. “Nông dân băn khoăn lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, lạm phát cao, giá cả liên tục tăng”- ông Cường nói.
Thêm vào đó, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị hóa khiến hàng triệu nông dân thiếu việc làm hoặc không có việc làm. Chính sách thu hồi đất và mức đền bù thấp khiến nông dân thiệt thòi.
Năng suất chất lượng thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào thị trường tự do, hiệu quả thấp nên có tình trạng một bộ phận nông dân không thiết tha gắn bó với đồng ruộng, thậm chí bỏ ruộng để tìm việc khác tại các thành phố.
Cần tích tụ ruộng đất
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao quyền sử dụng đất cho nông dân từ 20 lên 50- 70 năm.
Ông Cường cũng kiến nghị bỏ chính sách hạn điền để tạo điều kiện cho các loại hình nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại phát triển, từ đó nâng cao thu nhập đời sống nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, qua thảo luận nhiều ý kiến đồng tình đến 2013 không chia lại ruộng đất của nông dân. Thời gian giao đất cho nông dân sẽ kéo dài từ 50- 90 năm.
Đề cập đến việc sửa đổi Luật Đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đang trong quá trình nghiên cứu. “Bây giờ chúng ta thấy vướng mắc nhưng phải sửa thế nào để nó không bị chuyển sang một hệ quả khác. Sở hữu toàn dân hay không toàn dân…, bây giờ đang nghiên cứu. Trung ương cũng sốt ruột, Quốc hội mấy lần đề xuất sửa”- Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho rằng, câu hỏi được đặt ra trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là giai cấp nông dân đang có biến đổi như thế nào về số lượng, chất lượng. Theo Tổng Bí thư, muốn chuyển dịch cơ cấu thì phải tích tụ ruộng đất.
Tổng Bí thư khẳng định, việc ra đời Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đáp ứng đúng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với đông đảo nguyện vọng của bà con nông dân. Do vậy, Hội Nông dân cần chủ động tham mưu với Đảng và Nhà nước để tiếp tục có những chính sách đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Làm thế nào để phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phải bồi dưỡng nâng cao trình độ cho nông dân, nêu cao quyền làm chủ của nông dân… “Bây giờ phải đi vào biện pháp, vào cơ chế chính sách cụ thể, không nói suông, lý thuyết”- Tổng Bí thư nói.