Muốn cho thuê, cần điều chỉnh quy định pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia cho rằng, việc thành phố Hà Nội thí điểm cho thuê vỉa hè theo xu thế của nhiều nước trên thế giới nhưng cần đánh giá toàn diện, nhất là sự phù hợp với quy định pháp luật…
Muốn cho thuê, cần điều chỉnh quy định pháp luật ảnh 1

Những địa điểm cho thuê tại quận Hoàn Kiếm gọn gàng, ngăn nắp. Ảnh: Viết Hà

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, việc cho thuê vỉa hè nếu làm tốt sẽ có hiệu quả rất tốt. “Các nước phát triển, họ vừa cho thuê, vừa phân định rất rõ đường đi cho người đi bộ. Thậm chí, có nơi họ còn xây nhà chờ che mưa nắng cho người đi trên vỉa hè”, ông Liên nói.

Tuy nhiên, theo ông Liên, để cho thuê vỉa hè, kế hoạch thực hiện phải rất cụ thể. Chẳng hạn, hiện nay, vỉa hè của thành phố do Sở GTVT quản lý nên khi muốn cho thuê, quản lý việc cho thuê phải phân cấp vỉa hè cho các quận, huyện trực tiếp quản lý. Từ đó, các quận, huyện lên kế hoạch vỉa hè nào đủ điều kiện thì cho thuê, không thì phải giữ lại để đảm bảo lưu thông. “Cái quan trọng nhất, quận, huyện phải bắt tay vào đó để cho Sở có cơ sở phê duyệt”, ông Liên nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cho thuê vỉa hè sẽ tạo nguồn thu cho Nhà nước và điều kiện kinh doanh tốt hơn cho bên thuê vỉa hè. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải xem xét toàn diện việc này có ảnh hưởng đến người dân đi lại hay không. Ngoài ra, việc cho thuê cũng cần tính toán để có giá cả, cách làm hợp lý, hiệu quả.

Phải điều chỉnh luật

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, đề án thí điểm cho thuê vỉa hè ở Hà Nội hiện vướng nhiều vấn đề như vỉa hè của đường phố Hà Nội đa phần nhỏ hẹp, đường chật, chỗ đỗ xe không đủ... Đặc biệt, việc cho thuê sẽ vướng vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành vì luật này không cho phép sử dụng diện tích giao thông vào mục đích khác. Tuy nhiên, lo ngại của ông Ánh có thể biến mất nếu nội dung này được đề cập, sửa đổi trong Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Ngoài các quy định pháp luật về giao thông, theo ông Ánh, việc cho thuê vỉa hè cũng liên quan đến việc sử dụng tài sản công. Theo đó, vỉa hè gồm có đất, hạ tầng giao thông được đầu tư bằng ngân sách; nay đem ra kinh doanh nên phải chịu sự chi phối của các quy định về quản lý tài sản công. “Theo các quy định hiện nay, diện tích vỉa hè lòng đường nếu không dùng vào giao thông đúng ra phải thu hồi, sau đó giao lại cho việc khai thác bất động sản. Việc sử dụng, cho thuê vỉa hè nếu triển khai minh bạch sẽ mang lại nguồn thu rất lớn. Đơn cử, dịch vụ trông xe trên vỉa hè, lòng đường nếu khai thác đúng giá quy định, thành phố sẽ có hàng nghìn tỷ mỗi năm. Đó là nguồn lực rất lớn để đầu tư cho giao thông tĩnh”, KTS Ánh cho hay.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho rằng, việc cho thuê vỉa hè hợp với xu thế của kinh tế thị trường nhưng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải đảm bảo giao thông và tiền thu được phải sử dụng để tu bổ, sửa chữa hạ tầng.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo phân tích, về nguyên tắc, thế giới không có khái niệm cho thuê vỉa hè vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, cho thuê là sai luật. “Người ta chỉ cho thuê phần đất ngoài vỉa hè. Ví dụ, vỉa hè trước nhà rộng 7m, không gian sử dụng giao thông tĩnh là 5m, còn 2 mét thì chúng ta cho thuê. Phần cho thuê đó không gọi là vỉa hè nữa mà coi là đất liền với vỉa hè để cho thuê. Trên thế giới cũng vậy, người ta chủ yếu cho thuê ở quảng trường, một số vị trí vỉa hè rộng, không dùng hết cho giao thông động, giao thông tĩnh. Những người thuê cũng chỉ cho buôn bán vặt, bán đồ ăn, văn hoá phẩm…”, ông Tạo nói.

MỚI - NÓNG