Mười điều ít biết về Việt Nam

Hầm Thủ Thiêm ở TPHCM - hầm ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Á Ảnh: VNP
Hầm Thủ Thiêm ở TPHCM - hầm ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Á Ảnh: VNP
TP - Trích dẫn một báo cáo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, tạp chí uy tín Foreign Policy (Mỹ) mới đây đăng bài Con rồng châu Á mới? đề cập 10 điều có thể nhiều người trên thế giới ngạc nhiên về Việt Nam.

> 10 điều có thể xảy ra trong thế kỷ tới

Hầm Thủ Thiêm ở TPHCM - hầm ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Á Ảnh: VNP
Hầm Thủ Thiêm ở TPHCM - hầm ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Á.  Ảnh: VNP.

1. Tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế châu Á nào trừ Trung Quốc

Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế trong hơn 1/4 thế kỷ qua. Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1986), quốc gia này liên tục cắt giảm hàng rào đối với thương mại và đầu tư, khuyến khích kinh tế tư nhân.

Trong giai đoạn này, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn hầu hết quốc gia ở châu Á, với tốc độ trung bình 5,3%, ngay cả khi có khủng hoảng tài chính khu vực và suy thoái kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 2005-2010, kinh tế tăng trưởng bình quân 7%/năm.

2. Dần bay lên khỏi đồng lúa…

Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm một nửa từ 40% xuống 20% trong vòng 15 năm, nhanh hơn rất nhiều nếu so với các nền kinh tế châu Á khác. Tiến trình tương tự ở Trung Quốc mất 29 năm, ở Ấn Độ là 41 năm.

Trong 10 năm qua, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm 13 điểm %, trong khi khu vực công nghiệp tăng 9,6 điểm %, dịch vụ tăng 3,4 điểm %. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm 6,7 điểm %, công nghiệp tăng 7,2 điểm %.

3. … nhưng dẫn đầu về xuất khẩu tiêu, điều, lúa, cà phê

Việt Nam thuộc tốp quốc gia hàng đầu về xuất khẩu tiêu (116.000 tấn năm 2010), 4 năm liên tiếp dẫn đầu về xuất khẩu hạt điều. Là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu gạo sau Thái Lan, đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê sau Brazil, đứng thứ năm về sản xuất chè, thứ 6 về xuất khẩu thủy sản.

4. Không phải là bản sao của Trung Quốc

Giá nhân công ở Trung Quốc tăng đang khiến một số nhà đầu tư rời bỏ nước này qua Việt Nam, nơi có nhiều nhân công rẻ. Xu hướng này khiến nhiều người nghĩ rằng Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới thứ hai ở châu Á, một phiên bản của Trung Quốc.

Nhưng Việt Nam rất khác Trung Quốc, xét theo hai khía cạnh. Thứ nhất, tiêu dùng cá nhân tác động kinh tế Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc. Tiêu dùng hộ gia đình chiếm 65% GDP, một tỷ lệ cao bất thường ở châu Á.

Ở Trung Quốc, tiêu dùng chỉ chiếm 35% GDP. Thứ hai, trong khi tốc độ tăng trưởng nhanh củaTrung Quốc dựa nhiều vào xuất khẩu và mức FDI cực cao, kinh tế Việt Nam cân bằng hơn giữa sản xuất và dịch vụ (mỗi lĩnh vực chiếm 40% GDP).

5. Cục nam châm hút FDI

Việt Nam được liệt vào hầu hết danh sách các thị trường đang nổi cho nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà nghiên cứu kinh tế Anh khảo sát và thấy rằng Việt Nam là một trong các điểm đầu tư hấp dẫn nhất, sau các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

Một lần nữa, Việt Nam tỏ ra khác biệt với Trung Quốc: Gần 60% FDI của Trung Quốc được đổ vào những ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày…), trong khi tỷ lệ tương tự ở Việt Nam là 20%.

Ở Việt Nam, hầu hết FDI được phân bổ vào khai khoáng, lọc dầu (40%) và bất động sản (15-20%), cho thấy ngành du lịch đang tăng trưởng nhanh. Tính từ năm 2005, khách du lịch quốc tế tăng trên 30%.

6. Hệ thống đường sá tốt hơn Thái Lan, Philippines

Mật độ đường ở Việt Nam đạt 0,78 km/km2 trong năm 2009, cao hơn Thái Lan hay Philippines, dù hai quốc gia này được đánh giá là phát triển hơn. Cũng trong năm 2009, mạng lưới điện che phủ hơn 96% diện tích cả nước. Các cảng container như Dung Quất, Cái Mép, các sân bay Đà Nẵng và Cần Thơ đang gia tăng khả năng kết nối với thế giới.

7. Thế hệ trẻ đam mê công nghệ

Dân số trẻ, được đào tạo tốt và đa số ham mê công nghệ, nhất là công nghệ mạng. Số người dùng điện thoại di động ở Việt Nam tăng gần 70%/năm trong giai đoạn 2000-2010 so với ở Mỹ, tăng chưa tới 10%/năm trong cùng kỳ.

Ở mức 31%, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước châu Á khác, ví như Malaysia (55%). Nhưng thực tế này đang thay đổi nhanh chóng. Thuê bao băng thông rộng tăng từ 0,5 triệu năm 2006 tới 3,8 triệu năm 2010. 94% người dùng internet xem tin tức trên mạng. Hơn 40% người dùng truy cập mạng hằng ngày.

8. Nguồn outsource và dịch vụ từ xa hàng đầu

Hiện Việt Nam có hơn 100.000 người làm việc outsource (tạm dịch: nhân công thuê ngoài) và dịch vụ từ xa, có doanh thu năm lên đến hơn 1,5 tỷ USD. Nhiều tập đoàn đa quốc gia danh tiếng đã thiết lập mạng lưới tại Việt Nam gồm HP, IBM, Panasonic…

Việt Nam có khả năng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực outsourcing nhờ số cử nhân đại học tương đối lớn và đòi hỏi lương chưa cao. Thuê một lập trình viên ở Việt Nam có thể rẻ hơn tới 60% nếu so với ở Trung Quốc, xử lý dữ liệu rẻ hơn ở Trung Quốc 50%.

9. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất nhì châu Á

Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam tăng 33%/năm trong thập kỷ qua, nhanh hơn mức của Trung Quốc, Ấn Độ hay bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào. Tính đến cuối năm 2010, dư nợ đạt 120% GDP, so với mức 22% của năm 2000.

Dù điều này có thể coi là bằng chứng của một nền kinh tế năng động, điều đáng lo là những khoản vay không được sử dụng đúng cách có thể tạo ra bất ổn và buộc chính phủ phải can thiệp.

10. Tăng trưởng lao động đang giảm

Trong giai đoạn 2005-2010, lượng công nhân trẻ và bộ phận chuyển từ nông nghiệp qua các lĩnh vực khác tạo ra 2/3 giá trị tăng trưởng của Việt Nam. 1/3 còn lại đến từ sự tăng năng suất. Nhưng nay hai yếu tố đầu yếu dần.

Các thống kê chính thức dự báo tăng trưởng lực lượng lao động giảm xuống mức 0,6%/năm trong thập kỷ tới, so với mức 2,8% giai đoạn 2000-2010. Do vậy, cải thiện năng suất lao động là điều rất cần thiết nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng ở mức cao.

Việt Nam có nhiều sức mạnh nội tại - lực lượng lao động trẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, ổn định chính trị. Nếu hành động chuẩn xác khi đối đầu với những nguy cơ ngắn hạn và lấy tăng trưởng năng suất làm thước đo, Việt Nam có thể bước vào một giai đoạn phát triển và thịnh vượng mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG