Mức quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú với nội thành Hà Nội là quá cao

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Theo quan điểm cá nhân tôi, mức quy định diện tích tối thiểu ở khu vực nội thành như vậy là quá cao”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận.

Quan điểm của ông về quy định diện tích ở tối thiểu 15m2 với mỗi người tại các quận nội thành, còn ngoại thành là 8m2, thưa ông?

Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về việc sửa đổi Luật Nhà ở. Việc sửa đổi này là rất cần thiết, bởi hiện nay những quy định cũ đã nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Những đề xuất ban đầu của cơ quan soạn thảo, từ vấn đề sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư, rồi diện tích tối thiểu đối với các trường hợp thuê, mượn, ở nhờ… đã và đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Mức quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú với nội thành Hà Nội là quá cao ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

“Có thể thành phố Hà Nội quy định như vậy để nhằm mục tiêu giãn dân, di dân ra ngoại thành, hạn chế vào khu vực nội đô. Nhưng thực tiễn cho thấy, người dân sẽ có nhu cầu ở khu vực nội thành nhiều hơn, nên diện tích tối thiểu sẽ phải thấp hơn mới đáp ứng được nhu cầu”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Về thời gian, dự kiến Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được cho ý kiến lần 2 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023, có hiệu lực thi hành từ năm 2024. Khi sửa đổi Luật Nhà ở sẽ đưa ra những quy định về mức diện tích sàn tối thiểu, và chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của Quốc hội và dư luận xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội, TPHCM.

Trong bối cảnh đó, Hà Nội và có thể cả các tỉnh, thành khác, có nên chờ Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua, lúc đó mới ban hành nghị quyết về vấn đề này cho đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất không? Trong trường hợp thành phố Hà Nội cần phải ban hành Nghị định ngay, thì theo quan điểm cá nhân tôi, mức quy định diện tích tối thiểu ở khu vực nội thành như vậy là quá cao, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, và thực tế sẽ phát sinh nhiều bất cập.

Vậy theo ông, với một thành phố đông dân như Hà Nội thì quy định mức diện tích tối thiểu nên là bao nhiêu thì phù hợp?

Với quy định mức diện tích tối thiểu 15m2 mỗi người, giả sử trong một gia đình có 3 người, thì họ phải thuê, mượn, ở nhờ với căn hộ diện tích tối thiểu 45m2. Còn nếu gia đình có 4 người, gồm hai vợ chồng và hai con thì phải cần căn hộ có diện tích tối thiểu 60 m2. Nếu ở đô thị như Hà Nội thì khó có nhà tạm để thuê trọ với mức diện tích như vậy. Chắc chỉ có nhà chung cư mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu đó, còn với người thu nhập thấp, công nhân, lao động phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn. Giả sử thay vì 15 m2, Hà Nội quy định mức tối thiểu 8 m2 cho khu vực nội thành, tôi nghĩ mức này sẽ phù hợp hơn. Bởi nếu gia đình có 3 người, họ có thể ở trong căn hộ 24 m2, nếu 4 người sẽ ở trong căn hộ 32 m2. Với diện tích như vậy vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của người dân.

Theo tôi, vấn đề này Hà Nội cần tiếp tục lắng nghe các ý kiến, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để đưa ra quy định tối thiểu cho phù hợp. Ví dụ, trong nội thành, có thể quy định diện tích tối thiểu thấp hơn, còn khu vực ngoại thành thì đưa ra diện tích tối thiểu lớn hơn. Vì ngoại thành quỹ đất còn nhiều, nên khuyến khích cho người dân ra đầu tư xây dựng, làm ăn sinh sống.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.