Đảo nhân tạo Peanut được Lực lượng Tuần duyên Mỹ sử dụng trong suốt Thế chiến II để bảo vệ các tàu hàng Mỹ khỏi tàu ngầm của Đức ở ngoài khơi Florida. (Boong-ke bí mật được xây dựng trên đảo nhân tạo Peanut vào năm 1961).
Daily Mail cho biết, căn hầm bí mật chỉ nằm cách dinh thự nằm trên Bãi biển Palm của gia đình Tổng thống Kenedy khoảng 10 phút đi xe. Đây sẽ là nơi trú ẩn của Tổng thống Kenedy trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Được xây dựng trong vòng 10 ngày vào năm 1961, boong-ke có kích cỡ tương đương với một căn nhà nhỏ và có thể chứa tới 30 người. (Trong ảnh: Bản sao bàn làm việc của Tổng thống Kenedy được đặt bên trong boong-ke).
Nếu những tên lửa của Xô Viết xóa sổ New York và Washington, nơi này sẽ trở thành trung tâm chỉ huy của lực lượng Mỹ và NATO. Và nó có lẽ cũng cần thiết đối với Tổng thống Kenedy khi căng thẳng giữa Washington và Moscow leo thang trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. (Trong ảnh: Chiếc điện thoại đỏ được cựu Tổng thống Mỹ dùng để điện đàm với Moscow nhằm xóa căng thẳng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba).
Căn hầm đã được mở cửa cho công chúng vào tham quan từ năm 1998 và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện boong-ke này đang phải đối mặt với một mối đe dọa về tương lai của nó. Đó là một cuộc chiến pháp lý giữa Bảo tàng Hàng hải Bãi biển Palm, nhà điều hành boong-ke và Cảng Bãi biển Palm, đơn vị sở hữu hòn đảo nhân tạo Peanut.
Anthony Miller tới từ Bảo tàng Hàng hải Bãi biển Palm cho biết hội đồng cảng và Hạt Bãi biển Palm đã ngăn chặn các nỗ lực để thu hút nguồn tài chính ổn định và căn hầm có nguy cơ bị phá hủy.
Tuy nhiên, theo ông Greg Picken, luật sư của hội đồng cảng, các nhà chức trách không có ý định dỡ bỏ boong-ke hay các tòa nhà của Lực lượng Tuần duyên mà hy vọng tìm được một nhà điều hành tốt hơn khi hợp đồng cho thuê với bảo tàng hết hạn.