Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Tass |
Đây là chuyến thăm Belarus đầu tiên của ông Putin kể từ tháng 6/2019. Hai nhà lãnh đạo thường xuyên liên lạc trong ba năm qua, nhưng tất cả các cuộc đàm phán song phương đều diễn ra ở Nga. Các tổng thống cũng gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh ở những nước khác.
Theo cơ quan truyền thông Điện Kremlin, hai lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề chính của việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược và liên minh Nga – Belarus, với trọng tâm là tương tác hội nhập trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh, cũng như các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Putin đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng ông có ý định gây áp lực buộc đồng minh Liên Xô cũ tham gia một đợt tiến công trên bộ mới nhằm vào Ukraine.
"Trong cuộc gặp này, họ sẽ thảo luận về các động thái tiếp theo nhằm vào Ukraine và sự tham gia rộng rãi hơn của các lực lượng vũ trang Belarus trong chiến dịch quân sự, đặc biệt, theo quan điểm của chúng tôi, cả trên thực địa", chỉ huy lực lượng chung Ukraine - Serhiy Nayev nói.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng việc ông Putin thăm Belarus có thể là động thái lôi kéo sự chú ý của Ukraine, để nước này dồn lực lượng về phía Bắc (khu vực giáp Belarus), giúp Nga “rộng đường” tiến quân vào những khu vực khác.
Belarus giáp cả Nga và Ukraine. |
Tổng thống Putin đang tăng cường xuất hiện công khai trong các hoạt động liên quan đến chiến dịch quân sự. Ông đã đến thăm trụ sở chiến dịch hôm 16/12 để nghe các chỉ huy quân đội báo cáo về những bước tiếp theo.
Tuần trước, vị tướng hàng đầu của Ukraine - Valery Zaluzhniy nói với The Economist rằng Nga đang huy động 200.000 binh sĩ cho đợt tiến công mới, có thể từ phía Đông, phía Nam hoặc thậm chí từ Belarus vào đầu tháng 1, nhưng nhiều khả năng là vào mùa xuân.
Nga và Belarus đã tăng cường hoạt động quân sự suốt nhiều tháng. Mới đây, Mátxcơva và Minsk đã thành lập một lực lượng chung ở Belarus và tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự. Ba máy bay chiến đấu của Nga cùng một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không đã được triển khai tới Belarus vào tuần trước.
Đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm bất ngờ tới Minsk và ký một thỏa thuận với người đồng cấp Belarus. Nội dung thỏa thuận chưa được tiết lộ.
Tổng thống Lukashenko cho biết ông và Tổng thống Nga Putin sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về nỗ lực hợp nhất hai quốc gia thành một Nhà nước liên minh. Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong nhiều năm và bị phe đối lập Belarus coi là con ngựa thành Troy để Nga sáp nhập đất nước của họ.
Tại một cuộc họp của chính phủ sau khi thông tin về cuộc hội đàm với Tổng thống Putin được công bố, ông Lukashenko bất ngờ nói rằng bất kỳ phát ngôn nào về việc Belarus mất chủ quyền sẽ là đi ngược lại lợi ích của người dân Belarus.
“Sau những cuộc đàm phán này, sẽ có người nói rằng: Không còn chính quyền nào ở Belarus nữa, người Nga sẽ điều hành đất nước. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh lại điều này: Không ai khác ngoài chúng tôi điều hành Belarus”, ông Lukashenko nói và cho biết thêm rằng ông sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế, cung cấp năng lượng, quốc phòng và an ninh với người đồng cấp Nga.
Nga cảnh báo Mỹ lún sâu vào xung đột Ukraine
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov trong bài phỏng vấn với tờ Newsweek cuối tuần trước cáo buộc Washington đang tìm cách làm leo thang xung đột ở Ukraine khi liên tục cung cấp cho Kiev vũ khí mạnh hơn.
“Mỹ đang ngày càng lún sâu vào xung đột ở Ukraine”, ông Antonov nói, đồng thời cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với việc tăng cung cấp vũ khí cho Kiev. Ông cũng nói thêm rằng "chính quyền Mỹ đang phớt lờ những lo ngại của Mátxcơva trong vấn đề này”.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Sputnik |
Theo Đại sứ Nga, “nhiều chính trị gia Mỹ vẫn suy nghĩ và hành động theo quy luật của Chiến tranh Lạnh". Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine “được thúc đẩy bởi mong muốn từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm làm suy yếu Nga và biến châu Âu trở thành một bên phụ thuộc”. Tuy nhiên, ông Antonov dự đoán một “thế giới đa cực mới” đang xuất hiện.
Chiến lược Phòng thủ Quốc gia gần đây nhất của Lầu Năm Góc mô tả Nga là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với lợi ích của Mỹ, yêu cầu quân đội Mỹ phải tự trang bị để “giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Mátxcơva nếu việc răn đe thất bại”.
“Có vẻ như ‘bóng ma’ Liên Xô vẫn ám ảnh các hành lang quyền lực ở thủ đô nước Mỹ, và Chiến tranh Lạnh vẫn chưa kết thúc”, Đại sứ Antonov nói với Newsweek. “Nhiều chính trị gia ở đây vẫn suy nghĩ và hành động theo quy luật của thời kỳ lịch sử đó. Họ tin rằng việc khôi phục uy tín quốc tế của Nga với việc ông Vladimir Putin lên nắm quyền đã trở thành một ‘cơn đau đầu’ đối với Washington.”
Theo ông Antonov, Mỹ có thể tận dụng Nga để “biện minh cho khoản chi tiêu quân sự chưa từng có của mình”, đồng thời “phá hoại mối quan hệ cùng có lợi giữa Nga và châu Âu, khiến châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào Washington”.
Lệnh cấm vận năng lượng tự áp đặt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga - mà Mỹ đã khuyến khích - đã khiến khối này tiêu tốn gần 1 nghìn tỷ đô la, Bloomberg đưa tin hôm 18/12. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả việc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc giữa Nga và EU bị phá hoại là một "cơ hội to lớn" để EU từ bỏ khí đốt của Nga. Sau đó, Mỹ đã bán cho châu Âu khí đốt tự nhiên hóa lỏng với giá cao hơn.
“Thoạt nhìn, có vẻ như người Mỹ đang chiến thắng ở mọi nơi”, ông Antonov nói. “Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác. Rõ ràng là chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một hành trình dài và phức tạp nhằm xây dựng một thế giới đa cực”, trong đó “Nga ủng hộ rằng lợi ích của tất cả các bên tham gia cần được tính đến”.
Ông Antonov cho biết các đề xuất của Nga đang được thấu hiểu và nhận được sự ủng hộ ở các khu vực khác nhau trên thế giới.