Ngày 6/10, tại cuộc họp ứng phó với thời tiết nguy hiểm trong những ngày tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Ngày 7/10, áp thấp nhiệt đới này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ, các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa.
Cũng theo ông Khiêm, từ ngày 11 đến 13/10 có khả năng tiếp tục xuất hiện một áp thấp nhiệt đới khác trên biển Đông. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nên khu vực Trung bộ (từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Quảng Ngãi) có mưa kéo dài 10 ngày liên tục.
Theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nên khu vực Trung bộ (từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi) có mưa kéo dài 10 ngày liên tục, cao điểm là đêm 6 và 7/10 với lượng mưa 200-300mm.
Từ 6 đến 11/10, các tỉnh Trung bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.
Các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt.Nam Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt. Sau ngày 11/10, tiếp tục mưa lớn và kéo dài tùy thuộc vào tác động của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Hiện tại, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có gần 4.100 hồ chứa thuỷ lợi. Trong đó, đặc biệt có hàng trăm hồ chứa bị hư hỏng, đang thi công cần lưu ý khi có mưa lũ lớn (Bắc Trung bộ có 55 hồ hư hỏng, 41 hồ đang thi công; Nam Trung bộ 24 hồ hư hỏng, 31 hồ đang thi công; Tây Nguyên có 41 hồ hư hỏng và 43 hồ đang thi công).
Mưa lớn, miền Trung có thể lụt cả tháng
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo T.Ư) đánh giá, tình thế thiên tai trên là rất nguy hiểm, buộc phải kích hoạ tứng phó trên diện rộng ở miền Trung, nhất là khi ở miền Bắc đang có mưa lớn, các hồ chứa vận hành xả lũ.
Ông Hoài đề nghị cơ quan dự báo khí tượng tăng cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo, có nhận định dài hạn để vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa.
Ngoài ra, cần có các bản tin dự báo diện hẹp, ngắn hạn, nhất là về nguy cơ mưa lũ lớn khi dự báo mưa tới 1.000-1.500 mm. Có thông tin cảnh báo về lũ ở mức độ ra sao, khu vực nào để ứng phó.“Với lượng mưa trên 1.000 mm là một tình huống rất nguy hiểm và mức độ rủi ro rất cao”, ông Hoài nói.
Ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu các địa phương, có phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền, hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền để hạn chế thiệt hại, lưu ý người dân trên khu vực nuôi trồng thuỷ sản, du khách trên các đảo, khu du lịch.
Các địa phương cần lên phương án sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm, nhất là vùng núi, nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng trũng, chia cắt và tính toán trong điều kiện dài ngày. Rà soát từng hộ dân để đảm bảo an toàn, chuẩn bị nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết đề phòng trường hợp bị chia cắt kéo dài”, ông Hoài nói đồng thời đề nghị các địa phương có phương án với các hồ chứa thủy lợi nhỏ, thủy điện nhỏ, nhất là các hồ xuống cấp, hư hỏng, đang thi công… phòng xảy ra sự cố.
“Chúng ta sẽ kích hoạch hệ thống vận hành 10 khu vực liên hồ chứa. Hiện tại, mới chỉ kích hoạt hệ thống vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Các địa phương, chủ hồ chứa, cần cung cấp số liệu chính xác để chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo, cũng như báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương trong tình huống khẩn cấp”, ông Hoài lưu ý.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý, do mưa lớn, các tỉnh ở miền Trung có nhiều trang trại chăn nuôi với quy mô hàng nghìn vật nuôi, nếu thiệt hại thì rất nghiêm trọng. Mưa lũ lớn ở miền Trung có thể gây ngập lụt cả tháng, thậm chí vài tháng.