Mua cao bán thấp để chiếm đoạt hoàn thuế VAT

Mua cao bán thấp để chiếm đoạt hoàn thuế VAT
TP - Trong ba tháng đầu của niên vụ cà phê 2012-2013, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã xuất hiện hiện tượng mua cao bán thấp nhằm trục lợi từ chính sách thuế, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

> Cà phê Việt trước cơn bão FDI

Nhận được tin báo về hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, có dấu hiệu bất thường của một số cơ sở thu mua cà phê, UBND tỉnh Đăk Lăk đã thành lập đoàn liên ngành gồm: Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh để điều tra làm rõ.

Theo đó, ngoài việc kiểm tra thường xuyên hoạt động kinh doanh cà phê trên địa bàn, đoàn sẽ lập hai chốt liên ngành nằm ở đầu cầu 14 (thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) và tại đèo Phượng Hoàng nằm trên QL 26 (thuộc huyện Ma Đrăk) để kiểm soát thường xuyên lượng cà phê vận chuyển ra khỏi tỉnh, ngăn chặn tình trạng xuất cà phê ra khỏi địa bàn không có chứng từ hóa đơn hợp lệ, gây thất thu thuế.

Ngoài ra, tại 14 huyện của tỉnh cũng đã thành lập đội liên ngành chống thất thu thuế để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh cà phê.

Ông Bùi Văn Chuẩn, Trưởng phòng thanh tra Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk giải thích: Một số cơ sở kinh doanh cà phê mua cao hơn giá thị trường, sau đó lại bán ra với giá thấp cho đơn vị có chức năng thu mua xuất khẩu để lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), có thể nhằm mục đích kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế VAT lẽ ra phải đóng.

Ví dụ giá cà phê trên thị trường là 40.000 đồng/kg nhưng họ chịu mua giá 41.000đồng/kg để nhanh chóng gom được lượng hàng lớn, rồi bán lại cho doanh nghiệp với giá chỉ 40.000đồng/kg, nhận khoản tiền hoàn thuế VAT với tỷ lệ 5% mà doanh nghiệp chuyển sang tương đương 2.050 đồng/kg. Thay vì đóng khoản hoàn thuế đó cho nhà nước, thì họ… bỏ trốn để được lãi 1.050đồng/kg.

“Những cơ sở mua bán kiểu lừa đảo này thường hoạt động một thời gian ngắn rồi giải thể, trốn thuế luôn. Ngoài ra còn có tình trạng sử dụng chứng minh thư “nhặt”, “mượn” của người khác để đăng ký kinh doanh, hoặc mua bán hóa đơn lậu. Hiện nay chúng tôi đã chuyển hồ sơ một số trường hợp đáng ngờ sang cơ quan công an để điều tra xử lý” - ông Chuẩn cho biết.

Trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk hiện có 775 cơ sở kinh doanh cà phê. Năm 2011, nguồn thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh cà phê đạt 900 tỷ đồng chiếm 32% thu ngân sách của toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu niên vụ 2011-2012 đạt 600 triệu USD.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG