> Phim Việt tham dự Oscar 2013: Hy vọng mong manh
> Những phim được mong chờ nhất ở Venice
Mục tiêu trong dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 khẳng định: Đến năm 2020 phấn đấu đưa điện ảnh Việt Nam lên hàng đầu Đông Nam Á, đến năm 2030 được thừa nhận ở châu Á. Anh thấy sao?
Thôi thì đặt ra để động viên nhau. Biết đâu đến 2027 bỗng nhiên có một tài năng làm nên gương mặt điện ảnh Việt, mà có thể đến 2050 cũng chẳng có.
Nói như một đại biểu, điều này không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta, chưa kể các nền điện ảnh vốn mạnh trong khu vực như Thái Lan, Philippines tiếp tục phát triển, bỏ xa chúng ta. Tôi thấy mơ hồ, nhân lực trống trải kinh hoàng. Chả có cơ sở gì cho tham vọng đến năm 2020, 2030. Tôi không nhìn thấy thế hệ mới, làn sóng điện ảnh mới. Chỉ lốm đốm, lốm đốm. Một cánh én không làm nên mùa xuân.
Nhưng không đi thì chẳng bao giờ đến được?
Quan trọng để có điều đó mình phải làm gì, thật cụ thể, nhất là gắn với đào tạo nhân lực. Hãy cho tôi thêm phụ lục rằng, cử bao nhiêu người, đi đâu học và Nhà nước sẵn sàng cấp số tiền bao nhiêu cho họ. Chúng ta mất 5 năm để ra một lứa cho tương lai như vậy, mới hòng mong đứng đầu, hay mạnh được.
Ở Đại hội Điện ảnh 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu, đồng ý cho điện ảnh xây dựng một đề án cử người đi học nước ngoài. Ba năm sau vẫn thế. Chúng ta cứ bao hàm hết trong hồ lô như thế này, chẳng tiến tới gì cả. Hàn Quốc chẳng hạn, hơn chục năm trước, họ cử hơn 100 người sang Hollywood học đủ các ngành đạo diễn, sản xuất, quay phim. Trừ vài chục người ở lại Mỹ làm việc, gần 100 người về Hàn làm nên diện mạo của điện ảnh hiện nay.
Điểm khá mới trong dự thảo, các nhà quản lý điện ảnh đặt ra mục tiêu đưa nhà sản xuất trở thành trung tâm. Quan điểm của anh?
Tôi nghĩ cái đó chưa thật đầy đủ, ngả theo mô hình Hollywood. Ngoài Hollywood, châu Âu và nhiều nước trên thế giới còn có phim độc lập, mà ở dòng phim đó vai trò của tác giả là quan trọng nhất. Thành ra cũng đừng ngả về bên này hay bên kia quá, vì phải biết hai hình thức song hành: Ngay trong lòng nước Mỹ có LHP Sundance dành cho phim độc lập, tôn vinh các tác giả là chính, trọng tâm trong các tác phẩm nghệ thuật. Lựa chọn phương thức nào cần phải cân nhắc, có tính cân bằng.
Sắp không còn khái niệm hãng phim Nhà nước, tư nhân. Phim nhà nước ở đây được hiểu do Nhà nước đặt hàng. Vậy số phận các hãng phim Nhà nước sẽ ra sao?
Nói được câu đó nghe chừng dễ, nghe có vẻ có sự công bằng, rất mở. Nhưng phải giải quyết thực trạng đã: Các hãng phim Nhà nước với vai trò trong lịch sử cũng như trong hiện tại có còn nữa không? Coi nó ngang bằng với các hãng phim trẻ, tư nhân? Nếu khẳng định nó không còn vai trò lịch sử nữa thì hãy đặt mô hình hoàn toàn mới, tuyên bố giải thể chứ không ở dạng chập chờn như thế này được.
Các hãng phim Nhà nước như một con cá lớn ở sông, bỗng một ngày đẹp giời bảo nó ra biển sống. Ở đó có nhiều loại cá nhỏ, cá mập tung tăng, sống rất khỏe. Con cá sông này trót lớn quá, gần 60 tuổi rồi mà bảo ra biển ngay đi, chắc chắn nó chết. Không chết ngay thì vật vờ, sớm muộn gì cũng chết.
Không thể đào tạo các nhà sản xuất phim- Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khẳng định. “Bởi nhà sản xuất phim sẽ đi gặp các nhà đầu tư, khi ấy họ vừa là nhà kinh doanh, nhà điện ảnh, luật sư. Họ có rạp, hệ thống phát hành và họ sản xuất phim. Chúng ta chỉ có thể đào tạo các nhà sản xuất chi tiền tại hiện trường thôi”, Bùi Thạc Chuyên nói. Nói về đề án đưa điện ảnh Việt vươn lên hàng đầu khu vực, anh cho rằng: Năm 1986, điện ảnh Hàn Quốc lạc hậu, yếu kém. Chính phủ Hàn quyết tâm cải tổ mạnh mẽ. Tuy nhiên phải mất 10 năm, điện ảnh nước này mới lên khỏi miệng hố. Trong khi đó, từ nay đến 2020 điện ảnh Việt chỉ còn 7 năm, nên hơi viển vông. Điện ảnh Nhà nước và tư nhân không hợp tác, chỉ vài năm nữa điện ảnh sẽ không còn là của người Việt Nam nữa. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc BHD cảnh báo, vì nhiều tập đoàn nước ngoài hùng mạnh sớm nhìn thấy thị trường điện ảnh tiềm năng-doanh thu gần 1.000 tỷ đồng năm 2012. Tiềm lực tài chính mạnh mẽ chẳng khó khăn gì để họ dễ dàng thôn tính các hãng điện ảnh trong nước. |