“Anh ngồi rót biển vào chai” (Biển vắng - Trịnh Thanh Sơn)
Những mảnh vỡ của số phận
Số người Việt Nam định cư tại các nước và các khu vực lãnh thổ trên thế giới hiện nay 5,3 triệu (thống kê năm 2020); riêng ở Liên bang Nga ước tính 150.000 người. Nói ước tính là vì không có một con số chính xác hoàn toàn bởi nhiều nhẽ. Đó là một thực thể cư dân Việt - một bộ phận của đồng bào, từ đó tất yếu sẽ nảy nở và phát triển một thực thể văn chương tương ứng.
Nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã 20 năm có lẻ sống, học tập và sinh kế trên đất Nga. Đã từng lên bổng xuống trầm. Đã từng nhiều khi nuốt nước mắt vào trong. Đã khóc và cười theo lối bi hài kịch. Một khoảng hạn thời gian không thể nói là ít, đủ để chiêm nghiệm đến tận dưới đáy trần gian sinh tồn. Nên vốn sống và trải nghiệm văn hóa của ông trên xứ sở của bạch dương, tuyết trắng, mùa thu vàng càng đầy, càng sâu. Ông trong máu huyết, tôi đồ rằng, không phải sinh ra để trở thành nhà văn như một định mệnh. Mà là những bể dâu đời người, những số phận, những tình thế đời sống đập mạnh vào tâm trí, tâm hồn của một người có cái cốt lõi của tình thương, tình nghĩa nên muốn cầm bút trực chỉ viết, ghi lại những câu chuyện có thật mà bản thân đã trải qua, đã nghe, đã thấy, đã chia lửa, đã hứng nhận. Thậm chí đôi khi phải lánh nạn, phải mang nợ,... Nhà văn ý thức sâu sắc mình là một trong muôn vàn đồng loại cùng con Rồng cháu Tiên nhưng không hề sinh ra để sung sướng, trái lại nếu còn tồn tại.
Mười sáu thiên (tôi muốn thay cho chữ truyện) trong tập Dưới tán hoa siren, phải nói ngay không thuộc kiểu sách best-seller, nhưng đáng đọc, nhất là với lớp độc giả có tuổi, kinh lịch và thích suy nghiệm đời sống. Vì văn Nguyễn Đình Lâm giàu chất “trầm tích” qua Con kiến tật nguyền (tập truyện ngắn đầu tay, 2004), Tình yêu hàng chợ (tập truyện ngắn, 2005), Mong manh xứ bạch dương (tiểu thuyết, 2009), đến Truyện ngắn chọn lọc (2011), mới nhất Dưới tán hoa siren (2024).
Chỉ cần đọc nhan đề truyện cũng đủ cảm nhận được cuộc “mưu sinh vĩ đại” của những người Việt “áo ngắn” trên những miền “đất hứa”, mà nếu có thì chỉ trong giấc mơ, khi tỉnh dậy chỉ còn hão huyền, hoang đường mà thôi: Chuyến buôn cuối cùng, Cuộc chiến lúc nửa đêm, Chuyến bay nhớ đời, Kẻ phản bội, Giải cứu, Lánh nạn, Khổ tận cam lai, Bão giá, Cò đất đầu đời,... Đọc truyện Nguyễn Đình Lâm trong tâm can tôi cứ nhức nhối câu hỏi chưa có câu trả lời thuyết phục “Liệu có phải chúng ta chỉ mới tồn tại chứ chưa phải sống theo nghĩa đích thực của những từ này?!”. Liệu có bi quan khi nhà văn gây cho độc giả cái ấn tượng này?! Nhất quyết không! Nhà văn là người duy tình, trọng nghĩa nên không bao giờ, dẫu vô tình hay không vô tình gây hiệu ứng đọc như thế. Nhưng lối viết “nhúng bút vào sự thật” khiến cho mỗi câu chuyện được tác giả kể ra đều neo lại trong ký ức độc giả một câu hỏi “vì sao?” đất nước được gọi là giàu đẹp mà người Việt phải tha hương nhiều như thế, cứ ngân rung kéo dài vô tận. Tôi cũng đã có gần 1.000 ngày sống trên đất Nga, thời những năm 1987-1990, nên thấm thía từng câu chữ khi đọc truyện Nguyễn Đình Lâm. Nhưng dẫu sao những bể dâu cuộc đời và thăng trầm kiếp người, như cách viết của nhà văn vẫn còn xa sự thật lắm lắm. Những bể dâu kiếp người viết mãi không cùng, nên mới còn chỗ cho các thế hệ cầm viết tiếp bút theo tinh thần “xuyên văn hóa”.
Phép tối giản viết truyện ngắn
Đọc truyện Nguyễn Đình Lâm, tôi liên hệ so sánh với lối sống tối giản của người Nhật, dẫu cho mọi sự so sánh - như người ta nói, đều khập khiễng. Nhưng phải bào chữa cho tác giả, tối giản không có nghĩa đơn giản, mà là sự giản dị vì “cái đẹp là sự giản dị”. Về cấu trúc, truyện ngắn Nguyễn Đình Lâm thường được xây dựng theo phép tuyến tính truyền thống (trật tự thời gian). Mỗi truyện đều hài hòa giữa miêu tả hành động và tâm lý, giữa kể và tả, giữa ngoại hình và nội tâm, giữa tĩnh và động (nhưng trong đa số hợp thì động nhiều hơn tĩnh). Truyện Nguyễn Đình Lâm có cái đặc trưng về tính nhịp điệu (rythme) - khẩn trương, hối thúc, mạnh mẽ, thao thiết như chính nhịp đời hiện nay trong tính chất hiện sinh của nó. Tôi nghĩ, chính vì thế nên tác phẩm có sức mạnh và sức thuyết phục của cảm giác mạnh, của cái đúng. Tôi gọi đó là lối viết “rót biển vào chai”?!
Đọc truyện Nguyễn Đình Lâm tôi nhận ra yếu tố/tính chất tự thuật của tác phẩm. Nhân vật Tâm hiện diện khắp nơi, dẫu hình hài, tâm trạng, hành vi ứng xử tùy theo mỗi hoàn cảnh mà bộc lộ cá tính, khí chất, bản lĩnh nhưng cứ “na ná” người cha tinh thần đã “đẻ” ra nó - tác giả. Một nhà thơ đã khẳng định “Thơ cốt chơn” (chân thật). Suy rộng ra “Văn cốt chơn”. Cổ nhân chỉ bảo “Văn là người”. Áp vào trường hợp Nguyễn Đình Lâm rất sát hợp. Nói cách khác là trúng và đúng. Tôi tin nhiều người nghĩ như thế khi đọc văn Nguyễn Đình Lâm. Tin tưởng, tại sao không!?
Hà Nội, 5/2024