'Một thời sánh ngang' thời thơ ấu

'Một thời sánh ngang' thời thơ ấu
TP - Một thời làm báo gian truân nhưng đẹp ngang thời thơ ấu được nhà văn Bùi Ngọc Tấn - thế hệ làm báo Tiền Phong từ những ngày đầu tiên, hồi ức lại.

> 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Sinh mệnh ngòi bút

Vừa làm vừa học

Giờ đây cầm những tờ báo in đẹp, thông tin phong phú, kịp thời không thể không nghĩ tới những tờ báo thời chống Pháp, họa hoằn lắm mới vớ được một số như Cứu Quốc, Vui Sống, Xông Pha..., kể cả những tờ tin in li tô, viết chữ ngược trên đá cũng chuyền tay nhau đọc đi đọc lại đến nhầu nát.

Tổ tuyên truyền thi đua trên công trường thủy lợi huyện Duy Tiên, Hà Nam (1967). Ảnh: Mai Nam
Tổ tuyên truyền thi đua trên công trường thủy lợi huyện Duy Tiên, Hà Nam (1967). Ảnh: Mai Nam.

Sau hòa bình 1954 báo chí Việt Nam nở rộ. Các đảng, các đoàn thể có báo, nhiều bộ nhiều ngành có báo. Báo tăng định kỳ, tăng số lượng phát hành. Tất nhiên đội ngũ những người làm báo tăng vọt. Từ thanh niên xung phong, kết thúc đợt tiếp quản Thủ đô, Vũ Lê Mai, Lê Thị Túy và tôi chuyển về báo Tiền Phong.

Còn hạnh phúc nào bằng được về tòa soạn tờ báo mình vẫn đọc, được gặp, được ra vào cơ quan với những người đã in tên trên báo: Nguyễn Thanh Dương, Lê Quân, Đinh Chương, Tôn Đức Lượng, Tôn Sơn (Mai Nam)… Về sau chúng tôi ít ngày là ba anh bộ đội huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên sáng ngời ngực áo: Mạc Lân, Tất Vinh, Vũ Lê. Rồi Vũ Công Luận, Lê Mai Cát, Văn Kim Kim… Toàn độ tuổi 20 chưa qua trường lớp mà vừa làm vừa học. Học trong thực tế, học bằng cách nghiên cứu những bài báo của các bạn đồng nghiệp. Tổ chức rút kinh nghiệm trong cơ quan từng tháng, từng quý, phân tích những bài hay, bài dở.

 80 tuổi rồi. Bao nhiêu sự kiện. Bao nhiêu năm tháng. Nhưng vẫn nhớ rất nhiều những ngày ở Tiền Phong. Nhớ ngày mồng 1 Tết đầu tiên ở Hà Nội (1955), ngồi để nữ họa sĩ Thục Phi ký họa rồi cùng nhau đánh bi ở phòng khách 64 Bà Triệu như những đứa trẻ.

Một tháng một lần, tất cả phóng viên các báo tại Hà Nội lại tập trung nghe các nhà báo lâu năm nói kinh nghiệm làm báo của mình. Tôi nhớ nhất câu chuyện của Giám đốc Thông tấn xã Hoàng Tuấn. Ông Hoàng Tuấn kể lại trong những ngày chống Pháp gian nan, khi đập Thác Huống (Thái Nguyên), đập Bái Thượng (Thanh Hóa) bị Pháp ném bom, đồng ruộng thiếu nước cày cấy. Đói. Yêu cầu có một điển hình tăng gia sản xuất là rất cấp thiết.

Để đáp ứng yêu cầu trên, TTXVN chúng tôi đã bịa ra một điển hình, một ông già 70 tuổi ở Nghệ An đào giếng lấy nước chống hạn, vận động con cháu, thôn xóm gánh nước từ sông lên tưới cho hoa màu, kết quả thu hoạch thế này thế khác. Cũng tưởng chỉ là bản tin phát cho các tỉnh để động viên phong trào, với lại ở mãi Nghệ An ai mò đến làm gì. Không ngờ báo Cứu Quốc đăng lại. Bác Hồ đọc báo, liền tặng thưởng ông già 4 mét vải. Thế mới chết chứ! Đành phải thú thực với Bác tội “lừa cha dối chú”.

Ông Tuấn nói vậy để kết luận bài học về tính xác thực của tin tức.

Phương tiện đi lại

Phương tiện đi lại ngày ấy là ô tô, xe lửa. Lấy được vé tầu vé xe là cả một sự thử thách lòng kiên nhẫn, hơn nữa còn có lắm thứ quy định ngặt nghèo: Mỗi ô tô chỉ chở 5 xe đạp. Lại có lúc xe hỏa chỉ chở hành lý, không chở xe đạp. Nên kẻ viết bài này phải ra hiệu xe thuê tháo rời hai bánh xe, buộc chặt vào khung, xách theo như hành lý (tất nhiên phải mua vé hành lý), rồi khi xuống ga Hải Phòng ra hiệu xe, thuê họ lắp lại hành lý thành xe đạp. Không có xe làm sao về mãi An Sơn viết bài chống hạn được?

Bùi Ngọc Tấn năm 1956 qua ống kính nhà nhiếp ảnh Mai Nam
Bùi Ngọc Tấn năm 1956 qua ống kính nhà nhiếp ảnh Mai Nam.

Nhiêu khê nên tôi hay đạp xe hơn cả. Đạp xe về Đông Triều, rồi lại đạp từ Đông Triều về Hà Nội. Trưa ăn cơm ở Bắc Giang. Chiều đến Bắc Ninh. Tối tới cơ quan 45 Hàm Long Hà Nội (trụ sở tòa soạn TP hồi ấy), nằm vật ra thở. Tự cho phép mình xài sang: Uống một cốc sữa đá tại nhà hàng giải khát bên kia đường. Việc đạp xe Hà Nội - Phủ Lý 55 ki lô mét là chuyện bình thường. Nhớ một lần đi Phủ Lý, gần đến nơi thì bị đau khớp cấp tính, quẳng xe nằm ra vệ đường thiếp đi không biết bao lâu thì bị lay dậy: Công an dẹp đường cho đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Triều Tiên do tướng quân Kim Nhật Thành dẫn đầu về thăm Nam Định. Cũng may, sau giấc ngủ vệ đường, chứng đau khớp biến mất. Thế là kịp đạp về Phủ Lý thấy Vũ Bão đang cùng đông đảo dân chúng đứng ở rìa đường đón đoàn xe khách quốc tế đi qua. Vũ Bão bảo:

- Đoàn nào tới Hà Nội cũng về thăm Nam Định. Dân Phủ Lý chúng tao phải đứng đón ngang đường. Nên tao gọi thị xã này là thị xã Bái Vọng.

Ăn và ngủ

Dù ngủ ở Tỉnh Đoàn hay nhà dân, trong ba lô cũng phải có chăn, màn. Mùa nóng còn đỡ, mùa rét cả một cái chăn sợi hoặc chăn bông cá nhân. Ngày ấy chả đâu có chăn, màn thừa cho anh ngủ. Nếu có thì cũng vá víu chằm đụp, ẩm và hôi hám. Với tôi hành lý còn thêm một cái gối nữa. Một cái gối khung bằng dây thép uốn căng vải, gấp lại cho vào ba lô. Không có gối đúng kích cỡ quen thuộc khó ngủ lắm.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (bìa phải) trong cuộc gặp tại báo Tiền Phong 3/2013
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (bìa phải) trong cuộc gặp tại báo Tiền Phong 3/2013.

Ăn là vấn đề khá gay go, nhất là khi về những khu “vành đai trắng”. Đó là một vành đai đồng đất bỏ hoang do Pháp lập ra để ngăn cách vùng tạm chiếm và vùng tự do. Những người dân mới trở về làng. Dây thép gai. Mìn. Cỏ lác. Nhà cửa mới cơi lên như lều, như quán tối đến đèn dầu sáng như sao sa. Gà con mới mua. Chó con mới thả. Đã có nhà trồng xoan tính chuyện mai sau. Đi thăm đồng về nhà bí thư chi đoàn thì cơm dọn ra. Một niêu đất con, bên trên toàn rau má, bên dưới mấy thìa cơm. Chỉ mình mình ăn. Bí thư bảo: “Anh ăn đi. Cả nhà ăn rồi. Vừa ăn xong”. Ăn mà biết đây là suất đặc biệt dành đãi khách.

Ăn ở cơ sở như vậy. Ăn ở cơ quan khá hơn. Phòng ăn là một cái ga ra ô tô. Hai chiếc bàn dài nối nhau và 4 chiếc ghế dài. Mỗi người một suất cơm. Cơm ít nên nhiều khi ăn xong, Tất Vinh đứng lên nửa đùa nửa thật: “Không biết mình ăn cơm chưa nhỉ?”. Thức ăn kinh niên là mấy miếng thịt ba chỉ bạc nhạc kho nước hàng. Thỉnh thoảng phải tự cải thiện: Mua thêm một hào nước phở của ông hàng phở bên kia đường, hoặc hai hào chả của bà bán giò chả thường cất tiếng rao ngoài cổng lúc đang chia cơm.

Ngủ ở cơ quan cũng phải đúng nội quy. 10 giờ là tắt đèn. Muốn thức khuya đọc sách hay viết bài: Ra cầu thang. Ở đó có một ngọn đèn sáng suốt đêm.

Dù khó khăn vất vả như vậy, nhưng chúng tôi vẫn đến cả những nơi thật xa xôi: Lên Điện Biên phản ánh việc khôi phục kinh tế trên chiến trường xưa, vào Hà Tĩnh viết về nhân dân tích cực hưởng ứng luật nghĩa vụ quân sự. ở Hà Nội, Nguyễn Trí Tình còn suốt đêm đi đổ thùng với các chị công nhân vệ sinh, viết bài Các anh các chị đổ thùng nổi tiếng các báo...

Kỷ niệm về những chuyến đi

ở Tiền Phong tôi làm phóng viên nông thôn, phải đi rất nhiều. Nhưng không thấy ngại, bởi mỗi chuyến đi là mình lại tích lũy thêm một chút vốn sống để có thể dùng vào việc viết văn. Tôi rất chịu khó ghi chép, tả cảnh, tả người, đặc biệt là ngôn ngữ: Như khấn khởi (phấn khởi), đêm qua ngủ, hến cắn hay sao mà đi họp ngáp thế? Như bài thơ của anh hùng Trịnh Xuân Bái sáng tác ngay ở Hồng Trường khi ông sang thăm Liên Xô:

Liên bang Xô Viết/ Thú tự do ao ước bấy lâu nay/ Kìa Hồng quân thuyền thợ với dân cày/Đệ nhất sướng hỏi rằng đây có phải/ (…)

Cả chục quyển sổ tay chữ nhỏ li ti, tiếc rằng đã bị tịch thu khi tôi lâm vào vòng
lao lý.

Ngày ấy còn trẻ, ngày ấy chàng phóng viên Tân Sắc (Tấn) mới 21, 22 tuổi đến nơi nào cũng hòa nhập dễ dàng. Về Lâm Động (Thủy Nguyên) tát ao cùng chi đoàn, lội bùn, bắt cá làm cỗ ngày giỗ trận (ngày Pháp càn quét, khủng bố toàn huyện, nhiều người hy sinh). Về một xã thuộc Ninh Bình, ngơ ngác trước những con sóc bay đuôi xù dựng đứng, chuyền từ cành này sang cành khác không một tiếng động, họp chi đoàn hát Mẹ thương con có hay chăng, chẳng nhìn ai nhưng cũng cảm thấy những cặp mắt bồ câu đang hướng về mình, không biết rằng khi tan họp đã gần nửa đêm. Ngày ấy lên Yên Bái, thấy chuối rẻ, mua cả nải, mang vào một toa tầu bỏ không ngồi ăn, cố lắm vẫn phải vất lại trên toa nửa nải…

Một thời sánh ngang thời thơ ấu

80 tuổi rồi. Bao nhiêu sự kiện. Bao nhiêu năm tháng. Nhưng vẫn nhớ rất nhiều những ngày ở Tiền Phong. Nhớ ngày mồng 1 Tết đầu tiên ở Hà Nội (1955), ngồi để nữ họa sĩ Thục Phi ký họa rồi cùng nhau đánh bi ở phòng khách 64 Bà Triệu như những đứa trẻ.

Nhớ Nguyễn Trí Tình ngồi tiếp bạn đọc nữ Hà Nội tại 45 Hàm Long. Quê Nghệ An nhưng anh cố nói giọng Bắc, nên phát âm như người ngoại quốc và lúc ấy thế nào Phan Mai cũng tới với vẻ mặt đau khổ chìa tay xin tiền. Anh móc túi “lấy ra một nắm bạc vụn” không thèm nhìn, đưa cho Phan Mai với vẻ mặt coi tiền như cỏ rác.

Nhớ cả Quế Lâm báo Cứu Quốc 66 Bà Triệu liền bên, lĩnh công tác phí đi Điện Biên cả nửa tháng mà khi tôi cùng Tất Vinh lên Phúc Châu uống trà vẫn gặp anh trên ấy. Anh dặn chúng tôi: “Đừng nói gì nhá. Tao vừa gặp một thằng bạn ở Điện Biên về. Tha hồ chuyện. Không phải lên nữa”. Chúng tôi cũng có cái mưu ấy: Ra bến ô tô Kim Liên, tìm một bọ Nghệ An vừa xuống xe, mời vào quán nước uống chè xanh, ăn kẹo lạc, chụp ảnh và hỏi chuyện để khỏi phải đi…

Tất Vinh không còn nữa. Mạc Lân, Mai Cát, Vũ Công Luận, Vũ Lê Mai, Vũ Giang, Nguyễn Thanh Dương, Vũ Thọ, Nguyễn Vĩnh, Đỗ Văn Thoan Trưởng ban Nông Thôn của tôi… đều đã về trời. Các anh đã cùng tôi chia sẻ một quãng thời gian đẹp nhất, một thời có thể sánh ngang thời thơ ấu.

Nhìn cánh nhà báo trẻ hôm nay tác nghiệp, bọn thất thập chúng tôi không khỏi thèm thuồng. Họ được đào tạo bài bản. Họ trang bị đến tận răng. Ghi âm. Máy ảnh. Máy tính xách tay nối mạng. Xe máy. Ô tô. Máy bay. Đó là chưa kể những trụ sở biên tập và những nhà in được trang bị hiện đại nhất.

Và chúng tôi kính phục họ. Họ không chỉ là những phóng viên thời hiện đại. Họ còn luôn có mặt ở những tuyến đầu nóng bỏng nhất của cuộc sống, luôn hoàn thành nhiệm vụ và xứng đáng với lòng tin của độc giả, của nhân dân.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.