Một thập kỉ bứt phá kinh tế của quận Nam Từ Liêm

0:00 / 0:00
0:00
Kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động (01/4/2014), đến nay, bộ mặt đô thị quận Nam Từ Liêm đã có nhiều bước đột phá, ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu chuyển dịch nhanh và đúng định hướng.
Một thập kỉ bứt phá kinh tế của quận Nam Từ Liêm ảnh 1

Kinh tế và hạ tầng quận Nam Từ Liêm đã đạt được những bước tiến vượt bậc

Kể từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động (01/4/2014), quận đã được lãnh đạo Thành uỷ - HĐND - UBND và các Sở, ban, ngành thành phố quan tâm, trực tiếp về làm việc để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Điều này thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện cho Nam Từ Liêm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về: Phát triển kinh tế, đảm bảo các vấn đề an sinh - xã hội, văn minh đô thị, kiện toàn hệ thống chính quyền qua hoạt động bầu cử, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cải cách hành chính, xây dựng Đảng, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể trong sạch vững mạnh, …

Thu nhập người dân tăng gấp 2 lần

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn quận Nam Từ Liêm liên tục duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất chung các ngành kinh tế của quận bình quân giai đoạn 2014-2023 đạt 13,7%. Quy mô giá trị sản xuất chung các ngành kinh tế đến năm 2023 đạt 78.679 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với năm đầu thành lập quận.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận chuyển dịch nhanh. Tính đến hết năm 2023, Thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 61,6% (tăng 7% so với năm 2014); công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 38,3% (giảm 6,9% so với năm 2014); nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,1% (giảm 0,1% so với năm 2014). Kinh tế tăng trưởng đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn quận đến hết năm 2022 đạt 99,8 triệu đồng/người (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2014).

Ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh, có tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2023 tăng bình quân 14,7%/năm. Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển, với các trung tâm thương mại, siêu thị, khu nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê, các chuỗi cửa hàng tiện lợi văn minh, hiện đại phát triển tại các khu chung cư, tổ dân phố; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế của quận phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn quận có 04 trung tâm thương mại (tăng thêm 03 TTTM so với năm 2014), 5 siêu thị (tăng thêm 03 siêu thị so với năm 2014); 296 cửa hàng tiện ích và 10 chợ dân sinh đã được UBND thành phố phân hạng.

Một thập kỉ bứt phá kinh tế của quận Nam Từ Liêm ảnh 2
Hai đêm diễn của ban nhạc BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình là cú hích về kinh tế du lịch cho Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng

Trên địa bàn quận có 2 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề sản xuất bún Phú Đô và Làng nghề sản xuất cốm tại phường Mễ Trì. Quận đã xây dựng Đề án phát triển làng nghề bún Phú Đô giai đoạn 2016-2020 với mục đích phát triển làng nghề kết hợp với du lịch để khai thác các giá trị của làng nghề. Sản phẩm của làng nghề cốm Mễ Trì đã đón Bằng công nhận nghề cốm Mễ Trì là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2019. Đến nay trên địa bàn quận đã có 24 sản phẩm OCOP 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao (bao gồm các sản phẩm truyền thống: Giò lụa, chả quế, giò bò, giò tai, chả cốm, cốm tươi, xôi cốm, bánh cốm; lạc đỏ, bơ lạc, dầu lạc hữu cơ...)

Cơ cấu thu ngân sách dịch chuyển theo hướng bền vững

Quận đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn quận hiện có 16.908 doanh nghiệp hoạt động, tăng gấp gần 4 lần so với ngày đầu thành lập, đóng góp ngân sách trên 5.000 tỷ đồng/năm; 11.256 hộ kinh doanh (tăng gần 2 lần so với ngày đầu thành lập); 45 hợp tác xã (tăng 29 hợp tác xã so với ngày đầu thành lập). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng thu ngân sách giai đoạn 2014-2023 đạt trên 71.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20%/năm; bình quân thu ngân sách hằng năm đạt trên 7.000 tỷ đồng. “Quy mô thu ngân sách tăng 3,5 lần so với năm đầu thành lập, trong đó, các khoản thu có tính bền vững tăng hơn 4 lần so với năm đầu thành lập). Quận Nam Từ Liêm đã vươn lên trở thành một trong những quận có đóng góp vào ngân sách nhà nước thuộc top đầu thành phố, điều này phản ảnh rõ nét sự phát triển kinh tế của quận. Quận đã đảm bảo thu cân đối ngân sách”, đại diện lãnh đạo quận Nam Từ Liêm nói, đồng thời cho biết, cơ cấu thu ngân sách dịch chuyển theo hướng bền vững với sự tăng dần về tỷ trọng thu từ thuế, phí và thu khác; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu tiền sử dụng đất. Tỷ trọng thu từ thuế, phí và thu khác trong năm 2017 chỉ đạt 38%; đến năm 2023 đã tăng lên đạt 92%. Tỷ trọng thu tiền sử dụng đất năm 2023 giảm còn 8% so với trung bình 47% của cả giai đoạn 2016-2020.

Một thập kỉ bứt phá kinh tế của quận Nam Từ Liêm ảnh 3

Khách sạn cao cấp trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là địa chỉ lưu chú quen thuộc của nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam

Hằng năm, quận đã chỉ đạo quyết liệt triển khai đầy đủ, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước, ban hành kế hoạch thu ngân sách ngay từ đầu năm; tập trung thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và thu tiền sử dụng đất các dự án. Đặc biệt năm 2020, 2021 trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kết quả thu ngân sách trên địa bàn vẫn đảm bảo và hoàn thành vượt dự toán thành phố giao. Đạt được kết quả trên cho thấy, quận đã tận dụng và khai thác tốt các nguồn thu; đặc biệt là khai thác được nguồn thu từ thương mại điện tử. Đây là lĩnh vực mới và có dư địa nguồn thu rất lớn. Quận cũng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích và tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp có số thu hàng năm lớn về đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận...

Chi thường xuyên trên địa bàn đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách và đáp ứng được yêu cầu quản lý. Quận đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cân đối; thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chưa cấp bách, tạm dừng chưa thực hiện để thực hiện chi cho những nhiệm vụ quan trọng. Chi đầu tư chủ yếu tập trung cho các cho các công trình thiết chế văn hóa còn thiếu: Nhà văn hóa tổ dân phố, trường học công lập các cấp, tu bổ, tôn tạo di tích và đầu tư các tuyến đường giao thông khung trên địa bàn quận,... Quận đã rà soát, phân thành các nhóm dự án để chỉ đạo, điều hành; triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công; chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

MỚI - NÓNG