Ngày 17/3, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong số những người tự ứng cử, có nhiều thành phần, trong đó có cả người lao động tự do, người đã về hưu, không có công ăn việc làm ổn định… Trước thực tế này, có đại biểu đề nghị không nên đưa vào danh sách bầu những người này, vì không có công ăn việc làm, bản thân họ không tự lo được cho mình, cho gia đình thì sẽ không thể gánh vác công việc của xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Quyền tự ứng cử là quyền của mỗi người, còn quyền của cử tri là lựa chọn. Ông đề nghị chỉ trừ trường hợp phát hiện ra những người tự ứng cử vi phạm pháp luật thì mới loại bỏ, còn các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp cần tôn trọng.
Mặc dù vậy, ông Liên cũng đề nghị cần loại bỏ tình trạng “nghị gật” trong hội trường. “Người hiền lành nhưng cả kỳ họp không góp ý phát biểu lần nào thì cũng không thể chấp nhận được. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ mới sẽ lựa chọn được những đại biểu ưu tú và sẽ hạn chế được tình trạng này”, một đại biểu cho hay.
Đại biểu Đào Hương tỏ ra khá tin tưởng đối với hàng ngũ các ứng cử viên được giới thiệu ứng cử, bởi họ đều đã được xem, biết mặt, tên tuổi rõ ràng. Phần lớn những người tự ứng cử rất xứng đáng, rất tâm huyết, có những đóng góp nhất định. Tuy nhiên, đối với những người tự ứng cử, theo cảm giác của đại biểu Hương thì “họ chỉ chơi chơi thôi”. “Vì dân chủ, họ nộp hồ sơ chúng ta tôn trọng, còn việc ai bị loại, ai ở lại thì đến vòng ba sẽ cần trí tuệ của chính chúng ta”, đại biểu Hương nói.
Vừa đứng lên phát biểu, đại biểu Đinh Hạnh đã khẳng định: “Khi xem danh sách, tôi biết một số người không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất ứng cử. Tuy nhiên, khi đưa ra thì còn phường, tổ dân phố nơi họ sinh sống nhận xét, đánh giá, bỏ phiếu. Đây là một bước rất quan trọng”, đại biểu Hạnh đề nghị cần cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý lịch của các ứng cử viên để phường, tổ dân phố biết để lấy ý kiến rộng rãi của các cử tri.
Cũng theo đại biểu Hạnh, trong khoá trước, có những đại biểu làm chuyên trách nhưng khi đưa ra tổ dân phố thì không được đồng tình, dù lý lịch rất tốt. Để chọn được người xứng đáng, hoàn thành trách nhiệm đại diện cho nhân dân, đại biểu đề nghị cần làm kỹ từ địa phương chứ không chỉ dựa vào lý lịch.
Ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban bầu cử thành phố Hà Nội thông tin, ý kiến đề nghị giảm số lượng đại biểu Trung ương về Hà Nội tại phiên hiệp thương lần một không được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Qua đó, thành phần đại biểu từ Trung ương vẫn là 14 người và đại biểu được bầu ở Hà Nội 16 người, trên tổng số 30 đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.
Tân Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, cần rà soát, đối chiếu lại toàn bộ nội dung thông tin lần cuối trước khi tiến hành chuyển hồ sơ.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là danh sách sơ bộ, còn cần phải lấy ý kiến cử tri ở cả nơi cư trú, nơi làm việc của người ứng cử. Đến phiên hiệp thương lần ba tới, các đại biểu sẽ thể hiện chính kiến cụ thể.
Hội nghị đã biểu quyết thông qua danh sách 87 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc địa bàn Hà Nội.