Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

'Một số cán bộ lo an toàn bản thân hơn hiệu quả nền kinh tế'

TPO - Đề cập đến sự chậm trễ của các cơ quan chức năng trong việc “giải cứu” hàng loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời đang bị giảm phát công suất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng đang có tình trạng cán bộ công chức xem trọng sự an toàn của bản thân hơn "hiệu quả mà nền kinh tế sẽ đạt được".

Ngày 27/11, phát biểu tại hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nghịch lý thừa – thiếu điện mà Việt Nam đang tập trung giải quyết thực tế đã diễn ra tại nhiều nước khoảng từ 5-10 năm trước.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng hệ quả này có trách nhiệm từ cả hai phía. Các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng và chậm trễ trong việc giải quyết. Còn các nhà đầu tư thì đã không xem xét toàn diện khi nghiên cứu tính khả thi của dự án. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, còn cơ quan nhà nước, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thì xem vấn đề dân sinh, quản lý nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn: Một số cán bộ công chức còn thiên về sự an toàn của cá nhân hơn là lợi ích quốc gia, hiệu quả mà nền kinh tế sẽ đạt được.

'Một số cán bộ lo an toàn bản thân hơn hiệu quả nền kinh tế' ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Kiên dẫn chứng: “Đến thời điểm này, Quốc hội vẫn chưa nhận được văn bản của Bộ Công thương nhờ giải đáp chính sách pháp luật về độc quyền trong truyền tải điện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết từ năm 2013, tỉnh đã đề xuất Chính phủ quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tại các khu vực khô cần, đất đai không thể sản xuất. Tuy nhiên, Quy hoạch điện chỉ cho phép Ninh Thuận phát triển 800 MW nên tỉnh phải xin chủ trương và được Chính phủ đồng ý cho phát triển 2.000 MW NLTT.

“Toàn tỉnh đã có 18 dự án vận hành với tổng công suất 1.180 MW gồm 15 dự án điện mặt trời (1.063 MW), 3 dự án điện gió (117 MW) góp phần phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống một bộ phận người dân. Tuy nhiên, 10/18 dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành phải giảm phát từ 40 – 60% công suất gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và địa phương”, ông Hậu cho hay.

'Một số cán bộ lo an toàn bản thân hơn hiệu quả nền kinh tế' ảnh 2 Nhà máy điện gió Mũi Dinh bị giảm phát 60% công suất

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 30/6, lượng điện thực hiện giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh với tổng số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu kWh, tương đương con số thiệt hại là 479,4 tỷ đồng và nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Trong khi các nhà máy NLTT ở Ninh Thuận không thể đưa điện lên lưới thì Chủ tịch Hiệp hội Năng Lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết cả nước đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện tích tụ từ nhiều năm trước.

Theo đại diện EVN, trong năm 2019, EVN phải huy động khoảng 2,57 tỷ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỷ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ KWh, năm 2023 là 15 tỷ KWh.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cảnh báo: Trong năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt”.

Để bù đắp sự thiếu hụt, Việt Nam phải mua điện từ Trung Quốc và Lào. Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Vinh, đại diện Tập đoàn Hà Đô, một trong những nhà đầu tư NLTT chỉ ra trong khi các nhà máy điện gió, điện mặt trời vẫn vận hành nhưng điện không đưa được lên lưới thì Việt Nam phải mua điện từ Trung Quốc với giá đắt đỏ.

“Giá mua điện từ Trung Quốc hiện nay lên tới gần 7 cent/Kwh. Nếu tính cả hao hụt truyền tải thì giá điện lên tới khoảng 10 cent”, đại diện tập đoàn Hà Đô cho hay.

'Một số cán bộ lo an toàn bản thân hơn hiệu quả nền kinh tế' ảnh 3 Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế cho phép tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện từ nhà máy đến lưới điện quốc gia để giảm gánh nặng quá sức của EVN
 

Để giải quyết nghịch lý thừa – thiếu điện, ông Phạm Văn Hậu cho biết UBND tỉnh Ninh Thuận chủ động làm việc Bộ Công thương, EVN và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tiến độ các dự án truyền tải. Tiến độ các dự án đã được đẩy nhanh, cụ thể là từ sau năm 2021 như kế hoạch ban đầu đã được điều chỉnh phải hoàn thành trong năm 2020 nhằm giải quyết một phần giản tỏa công suất.

Tuy nhiên, ông Hậu cho biết việc phát triển Ninh Thuận thành trung tâm NLTT, giải tỏa hết công suất 2.000 MW đòi hỏi phải đầu tư đường dây 500 KV và đây là giải pháp lâu dài.

“Tỉnh chủ động đề xuất Chính phủ cơ chế cho tư nhân đầu tư trạm và đường dây 500 KV kèm nhà máy. Các dự án đường dây kết nối lên lưới là ưu tiên. EVN độc quyền vận hành. Các tư nhân đầu tư và bàn giao 0 đồng. Tư nhân làm nhanh, không phải mất 3 năm như nhà nước làm”, ông Hậu cho hay.

Đồng tình với ông Hậu, tại hội thảo nhiều chuyên gia cũng cho rằng với các quy định, cơ chế độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện thì EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính.

Bên lề hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng nhà nước nên định hướng và có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để khắc phục tình trạng chậm và quá tải lưới điện hiện nay, đồng thời giải tỏa được hết công suất của các nhà máy điện NLTT đã và đang sắp được đầu tư, góp phần khắc phục được sự thiếu hụt nguồn điện năng.

Ông Nguyễn Tài Anh cũng khẳng định việc xây dựng hệ thống truyền tải cung cấp điện cho người dân là nhiệm vụ chính trị. Ngành điện ủng hộ và khuyến khích tư nhân đầu tư hệ thống đấu nối, truyền tải điện từ nhà máy đến hệ thống truyền tải của EVN.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.