Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến cho dự thảo về quản lý thuê bao di động trả trước, với quy định mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 5 số thuê bao di động trả trước trên một mạng di động.
Nếu dự thảo trên được thông qua thì mỗi người sẽ được sở hữu số điện thoại di động trả trước gần gấp đôi so với quy định trước đây.
Trước đó, tại Thông tư số 04/2012/TT-BTTT được ban hành cách đây 3 năm, đã quy định mỗi người dân chỉ được đăng ký 3 sim mỗi nhà mạng, và đây được xem là một trong những biện pháp để hạn chế sim rác.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ, chiếc sim điện thoại không chỉ còn phục vụ cho nhu cầu nghe, gọi, truy cập Internet truyền thống mà còn phục vụ các dịch vụ khác như định vị, công tơ điện tử...
Các nhà mạng cho rằng, hiện nay có rất nhiều thiết bị sử dụng sim di động như ôtô, USB 3G, máy tính bảng, điện thoại, thậm chí một số thiết bị trong gia đình cũng sử dụng sim điện thoại như tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ… Chính vì thế, nhu cầu đã vượt quá ngưỡng tối đa nói trên.
Như vậy, với 5 mạng di động đang tồn tại trên thị trường hiện nay gồm VNPT-VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile và Gtel, thì mỗi cá nhân có thể được sở hữu tới 25 số điện thoại di động trả trước.
Dự thảo này trên quy định sau 72 giờ kể từ khi hoàn thành đăng ký thông tin thuê bao, nếu thuê bao không thực hiện gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến doanh nghiệp viễn thông di động để kích hoạt dịch vụ thì thông tin thuê bao đã đăng ký sẽ bị hủy. Chủ thuê bao muốn sử dụng dịch vụ phải làm thủ tục như đối với thuê bao mới.
Tại mỗi phường, xã trên cả nước (trừ các xã chưa có điện lưới quốc gia) các doanh nghiệp viễn thông di động chiếm thị phần khống chế phải triển khai ít nhất một điểm đăng ký thông tin thuê bao.
Tại mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông di động chiếm thị phần khống chế phải tự triển khai ít nhất một điểm đăng ký thông tin thuê bao của mình.
Các doanh nghiệp viễn thông di động khác phải triển khai ít nhất một điểm đăng ký thông tin thuê bao bằng việc tự triển khai; hợp tác với doanh nghiệp viễn thông khác...
Ngoài ra, nhà mạng phải gửi tin nhắn và áp dụng các phương thức phù hợp khác thông báo và yêu cầu các chủ thuê bao có thông tin không đầy đủ, không chính xác thực hiện đăng ký lại thông tin.
Tạm dừng hoạt động (khóa chiều gọi đi) của thuê bao nếu sau 10 ngày kể từ khi chủ thuê bao đã nhận được thông báo mà không thực hiện đăng ký lại thông tin theo đúng quy định.