Một ngày dưới đáy sông Hồng

Một ngày dưới đáy sông Hồng
TP - Mấy chục năm làm nghề chài lưới, lặn lội mò sắt dưới đáy sông Hồng, anh Bi Văn Dũng, trú tại xã Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) đã không ít lần mò được đạn bom, thậm chí vớt cả xác chết.

Mưu sinh dưới đáy sông

Chiến tranh đã đi qua, song di chứng của nó vẫn còn đó, mà bằng chứng của nó là hàng nghìn quả bom đạn vẫn còn lại dưới dòng sông Hồng và sông Đuống trong thời kỳ quân đội Mỹ đánh phá miền Bắc (1967 - 1972).

Ông Phạm Văn Dương (75 tuổi), người dân phường Ngọc Thụy (Long Biên) nói, năm 1967, quân đội Mỹ mở màn chiến dịch huỷ hoại cầu Long Biên bằng ba đợt ném bom quy mô lớn. Cây cầu rung lên bần bật và kiên gan bám trụ. Toàn bộ nhịp 15 bị đánh chìm xuống sông Hồng, nhịp 14 hỏng nặng, nhiều nhịp khác cũng bị hư hại nghiêm trọng. Từ đó cho đến năm 1972, quân đội Mỹ đã rải xuống lòng sông Hồng hàng nghìn tấn bom, đạn. Từ đó cho tới nay, bộ đội và nhân dân ta đã nhiều lần trục vớt, rà phá bom, đạn nhưng chưa thể hết. Biết được sự nguy hiểm và nỗi ám ảnh của bom, đạn, anh Bi Văn Dũng đã quyết tâm đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc mò, gỡ bom, đạn. Mỗi lần phát hiện, anh Dũng lập tức gọi điện cho cơ quan chức năng đưa thiết bị chuyên dụng đến để tháo gỡ.

Sau vụ anh Dũng phát hiện quả bom nặng 250kg dưới đáy sông Đuống và được lực lượng Công binh Thủ đô trục vớt vào ngày 9-4, chúng tôi đã có dịp trải nghiệm công việc mò sắt dưới sông cùng anh.

Một ngày dưới đáy sông Hồng ảnh 1

Mấy chục năm nay, gia đình anh Dũng nay đây mai đó trên sông Hồng, hôm thì ở khu vực cầu Thăng Long, hôm lại đến cầu Thanh Trì hoặc ngã ba sông Đuống. Do không có đất ở trên bờ nên vợ chồng con cái anh sinh hoạt, ăn ngủ đều trên thuyền. Hôm ấy, chúng tôi cùng anh Hoàng Trọng Trang (người em kết nghĩa làm nghề chài lưới với anh Dũng) và anh Vũ Hữu Tiến, cùng sống ở Ngọc Thụy, Long Biên dong thuyền ra sông Hồng để tiếp cận chiếc thuyền của anh Dũng. Giữa sóng gió lồng lộng sông Hồng, anh Dũng xuất hiện trên chiếc thuyền bằng xi măng, mui che bạt với nước da đen sạm vì nắng gió, nhanh nhẹn dẫn chúng tôi sang chiếc thuyền của gia đình đang neo đậu. Trong lúc trò chuyện, chị Nguyễn Thị Hương, vợ anh Dũng pha vội ấm trà, nướng mấy con cá khô mà theo chị là của nhà câu được để thết đãi chúng tôi.

Nhìn dòng sông Hồng nước đỏ phù sa, anh Dũng kể về đời mình giản dị: “Từ khi lớn lên, tôi đã theo gia đình làm nghề chài lưới trên sông Hồng, phận nghèo nên chẳng được học hành gì. Khoảng 10 năm gần đây thì làm thêm nghề mò sắt vụn. Những năm đầu chỉ làm theo kiểu được chăng hay chớ, về sau tôi mạnh dạn dùng máy nén khí, ống ti-ô, đeo kính lặn để mò. Tới năm 2011 thì tôi mua được nam châm, có thể rà được sắt vụn nặng tới 7kg kéo trực tiếp lên thuyền. Hôm nào gặp khối sắt nặng hơn tôi mới phải dùng máy nén khí lặn sâu xuống nước”.

Anh Dũng cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình mò được khoảng 40 - 50kg sắt vụn, trong đó có cả vỏ đạn, mìn, bán cho các chủ thu gom với giá 8.000 đồng/kg, thế nên mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng. Quả đạn, mìn nào còn nguyên thì anh gọi cho cơ quan chức năng, quả nào long đầu, đứt đuôi thì anh bán sắt vụn. Thường thì chỉ có 2 bố con đi mò, khi nào gặp sắt lớn thì gọi thêm anh em trong làng chài trợ giúp. Gần như cả đời rong ruổi trên sông, đến giờ anh Dũng đã sắm được 3 chiếc thuyền. Cái lớn nhất dài 8m, rộng 2,5m để ở. Cái thứ 2 dài 8m, rộng 1,5m, gắn 1 động cơ, dùng để đánh cá và hỗ trợ khi gặp được những khối sắt lớn. Cái thứ 3 dài 5,5m, rộng 1,2m được gắn 2 động cơ loại 8 mã lực, một động cơ đẩy, một động cơ sản xuất khí bơm vào bình nén khí để mò sắt.

Chị Nguyễn Thị Hương (vợ anh Dũng) mưu sinh bằng nghề chài lưới
Chị Nguyễn Thị Hương (vợ anh Dũng) mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Khi hỏi quê quán, anh Dũng nói, từ khi sinh ra đến giờ, anh vẫn không biết đến chuyện nhà cửa, đất đai, số phận của gia đình anh được đặt trong những chiếc thuyền cũ kỹ chắp vá, đồng thời cũng là phương tiện để mưu sinh. Hiện vợ chồng anh có 2 con trai, cháu lớn Nguyễn Văn Việt sinh năm 1990, cháu nhỏ Nguyễn Văn Sỹ, sinh năm 1993, cả hai đều mang họ mẹ. Vừa trò chuyện, anh Dũng vừa cùng con trai thứ hai lẳng cục nam châm xuống giữa sông rồi xuôi thuyền chầm chậm theo dòng nước. Đi được chừng 2km, đoạn ngã 3 sông Hồng và sông Đuống thì chuyếc thuyền bỗng dừng lại vì cục nam châm bị hút rất nặng xuống nước. Lúc này, anh Dũng khởi động chiếc đầu nổ thứ 2 để bơm không khí vào bình nén, sau đó Sỹ đeo chiếc mặt nạ có gắn ống ti-ô lao mình xuống nước.

Anh Dũng cho biết, chiếc bình khí nén này có thể giúp Sỹ ở dưới nước liên tục 4 - 5 tiếng đồng hồ ở độ sâu 35 - 40m, tùy thuộc vào độ dài của ống ti-ô, khi nào mệt quá thì lên nghỉ rồi lại lặn tiếp.

Gần 2 tiếng đồng hồ mò mẫm dưới nước, song Sỹ vẫn không thể dịch chuyển được vật kim loại dưới đáy sông kia, đành ngoi lên. Khi tôi đề nghị chụp ảnh vật lạ dưới nước, Sỹ liền nhẹ nhàng cho máy ảnh vào túi ni lông buộc kín rồi đưa cho tôi bộ kính lặn để thử xuống nước tác nghiệp. Ở độ sâu chừng 3m, tôi giơ máy ảnh lên chụp thử, tuy nhiên, mong muốn chụp ảnh dưới nước của tôi hoàn toàn thất bại vì nước sông Hồng quá đục, một phần vì máy nén thổi khí vào tai, mũi, được chừng 15 phút tôi đành phải ngoi lên.

Anh Dũng cho biết, vào mùa đông, nước sông trong hơn song cũng chỉ nhìn được sâu chừng 1m, còn mùa lũ, thì như người mù. Hiện, cả 3 bố con anh Dũng đều bị những vấn đề ở tai, một phần do máy nén khí, một phần do lặn vào mùa lạnh, khi lên bờ bị chảy máu mũi, tai, chân tay lạnh cứng.

Mò sắt vớ được bom 2 tạ rưỡi

Ngày 8-4-2012, anh Dũng phát hiện khối sắt lớn dưới lòng sông Đuống, biết một mình khó xoay xở anh bèn gọi thêm 2 người con và anh Hoàng Trọng Trang đưa thuyền ra hỗ trợ. Có anh Trang cùng lặn xuống, nhưng vẫn phải sau một tiếng đồng hồ vật lộn, cột dây, “cục sắt” mới được lai dắt vào ven bờ.

Tuy nhiên, khi đầu quả bom hiện dần trên mặt nước thì cả nhóm đều tá hỏa bỏ chạy. Khi hoàn hồn trở lại, lập tức, anh Dũng báo cho lực lượng chức năng địa phương đến giải quyết. Ngày 9-4, lực lượng Công binh Thủ đô Hà Nội đã đến trục vớt quả bom và đưa về nơi xử lý. Được biết, quả bom dài 1,6m, đường kính 75cm và nặng 500 pound, tương đương 250kg.

Rà phế liệu... được bom
Rà phế liệu... được bom.

Anh Dũng cho biết, từ khi làm nghề mò sắt tới giờ, anh vớt được vô số vỏ đạn, đầu đạn… nhưng đều bị thối hoặc long đầu, chỉ có hôm 8 - 4 là mò thấy quả bom còn nguyên vẹn. Còn nhớ năm 2006, nhóm của anh Dũng cũng trục vớt được cả chiếc xe máy Suzuki Viva, khiến dân làng Ngọc Thụy xôn xao bàn tán mấy ngày trời, tuy nhiên, sau đó anh Dũng đã bàn giao chiếc xe máy cho chính quyền địa phương.

Sợ… lên bờ

Anh Bi Văn Dũng cho biết: "Nhà tôi cũng đã có mấy đời làm nghề chài lưới. Trước khi mất, cụ thân sinh cũng chia cho mỗi người một mảnh đất, nhưng không ai sống được trên bờ mà vẫn phải bám theo nghề sông nước. Bản thân tôi từ nhỏ đã gắn bó với dòng sông Hồng, ngày mưa cũng như ngày nắng đều hít thở tắm táp nước sông Hồng nên giờ “nghiện” mất rồi".

Có lẽ vì nhiều năm trong nghề chài lưới, quá thông thạo lòng sông Hồng nên người dân khu vực gọi anh Dũng là “Hà bá”. Thậm chí có lần, một số đơn vị cứu hộ cứu nạn cũng tìm tới anh để nhờ lặn tìm những người không may chết đuối, hay tham gia trục vớt và tìm thi thể nạn nhân vụ chìm tàu mang số hiệu NĐ 2236 bị chìm vào đêm ngày 17-8-2011, tại Km 8+700, ngay chân cầu Đuống.

Anh Dũng nhớ lại: “Đợt ấy lũ đang đổ về, tại khu vực cầu Đuống nước chảy mạnh nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận chiếc tàu chìm. Ròng rã 2 ngày trời, chúng tôi phải dùng đủ các bí quyết nghề nghiệp, nào là cột dây từ trên bờ, rồi thả neo, lặn xuống hàng chục lần mới tiếp cận được con tàu đắm. Tới khi tiếp cận được thì cửa boong tàu vẫn đóng kín, chúng tôi lại ngoi lên mặt nước để lấy búa phá cửa rồi chui vào bên trong đưa từng nạn nhân ra”.

Khi tôi hỏi anh về việc định cư trên bờ, anh Dũng nói, bây giờ có cấp đất để lên bờ chúng tôi cũng không biết làm gì. Mặc dù tôi cũng có hộ khẩu (ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai), song mỗi lần đi làm giấy tờ đều tốn kém, mất nhiều thời gian, thấy ngại lên bờ lắm.

“Vả lại, công việc của tôi hiện nay thành cái nghiệp rồi, mỗi lần thấy tàu chìm tàu đắm là ruột gan như lửa đốt, không ngồi yên được, lại nổ máy hướng thuyền về phía tàu gặp nạn. Bây giờ tôi chỉ muốn tiếp tục hành nghề, dù nhỏ đóng góp sức mình cho việc làm sạch đáy sông, trợ thủ cho những tàu thuyền lỡ may gặp nạn”, anh Dũng trầm ngâm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.