Một năm khóc - cười của những 'ông trùm' địa ốc

Các đại gia bất động sản vẫn chiếm những vị trí quan trọng trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán.
Các đại gia bất động sản vẫn chiếm những vị trí quan trọng trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán.
Thị trường nhà đất ấm lại giúp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tiếp tục "bay cao" trên top người giàu trên chứng khoán, song cũng không ít ông chủ phải nếm trái đắng khi tài sản cổ phiếu hao hụt.

Sau nhiều năm ảm đạm bởi suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu khởi sắc trong năm 2015. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy thị trường nhà ở liên tiếp tăng trưởng, thể hiện qua lượng căn hộ chào bán và được bán tại Hà Nội và TP HCM gia tăng. Tồn kho bất động sản cũng có xu hướng giảm dần, dư nợ tín dụng tăng lên. Sự cải thiện của thị trường càng được chứng minh khi nhiều doanh nghiệp thoát khỏi cảnh khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản đến tháng 11 đã tăng gần 80% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp giải thể giảm gần 30%.

Với sự khởi sắc này, tài sản của không ít lãnh đạo, cổ đông lớn các doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng đáng kể so với năm 2014. Đến cuối ngày 22/12, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup (Mã CK: VIC) đã tiến gần hơn tới cột mốc tài sản chứng khoán một tỷ USD khi tổng giá trị cổ phiếu tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với năm ngoái, lên gần 22.100 tỷ đồng.

Tuy cổ phiếu VIC giảm 13% từ đầu năm, song do được lĩnh hơn 109 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức nên tài sản của ông Vượng không bị hao hụt, đánh dấu 5 năm liên tiếp ở ngôi quán quân. Các thành viên gia đình họ Phạm như bà Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng cũng tiếp tục có mặt trong danh sách top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán, tổng tài sản lần lượt tăng thêm 330 tỷ đồng và 220 tỷ đồng.

Cũng được "thơm lây" từ việc thưởng cổ phiếu và tăng tỷ lệ nắm giữ, tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch của Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết tăng 635 tỷ đồng. Vị này hiện sở hữu 123 triệu cổ phiếu FLC so với mức 81,7 triệu cuối năm ngoái, nhưng từ đầu năm giá cổ phiếu công ty giảm 27% dù kết quả kinh doanh không đến nỗi nào. Lợi nhuận 9 tháng đạt hơn 630 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Ngoài những ông chủ được hưởng lợi từ việc tăng thêm số lượng cổ phiếu nắm giữ, một số đại gia khác lại đón nhận tin vui từ chính giá cổ phiếu tăng. Với việc cổ phiếu Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long (Mã: NLG) tăng gần 30%, tài sản của ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Trần Thanh Phong - Phó chủ tịch lần lượt tăng hơn 180 tỷ đồng và hơn 50 tỷ đồng. Tương tự là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc địa ốc Hòa Bình (Mã: HBC) với tài sản tăng hơn 86 tỷ đồng khi giá cổ phiếu tăng 27%.

Ngược lại, một số tên tuổi khác trong ngành lại nếm trái đắng khi tài sản trên sàn chứng khoán hao hụt mạnh. Từng đi lên với bất động sản song nay đã chuyển trọng tâm kinh doanh sang nông nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) trải qua một năm đầy thử thách khi giá cổ phiếu mất tới gần 50%, về còn 11.300 đồng vào cuối ngày 22/12. Đây cũng là mức đáy của giá cổ phiếu này kể từ khi niêm yết năm 2008.

Trong năm 2015, cổ phiếu HAG hầu như chỉ ghi nhận diễn biến giảm và đi ngang, thậm chí công ty còn phải đối mặt và xử lý khủng hoảng với tin đồn vỡ nợ. Cá nhân Bầu Đức hồi cuối tháng 6 đã mua vào 6 triệu đơn vị, song giá cổ phiếu lao dốc vẫn khiến tài sản của ông "bốc hơi" gần 3.650 tỷ đồng, được ghi nhận là đại gia mất nhiều nhất trên sàn chứng khoán năm nay.

Chung cảnh ngộ là chị em họ Đặng, ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến. Dù được các đơn vị phân tích đánh giá sẽ được hưởng lợi từ việc dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, song giá cổ phiếu Kinh Bắc và Tân Tạo - hai công ty nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp năm qua không được như ý muốn. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu KBC giảm 19%, còn ITA giảm 28%, là hai trong những cổ phiếu có mức suy giảm khá mạnh trong ngành mặc dù kết quả kinh doanh đều chuyển biến rất tích cực. Lợi nhuận của Kinh Bắc và Tân Tạo 9 tháng đầu năm lần lượt tăng 131% và 76% so với 9 tháng năm 2014.

Năm nay cũng là năm buồn với cổ đông của Hà Đô và Quốc Cường Gia Lai khi giá cổ phiếu hai công ty này sụt 20% và 48% từ đầu năm, kéo theo tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Trọng Thông và bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch hai công ty giảm 125 tỷ và 78 tỷ đồng.

Bên cạnh điểm nhấn tại ngành bất động sản, top những cá nhân có tài sản biến động mạnh nhất trên sàn chứng khoán năm nay còn ghi nhận những tên tuổi từ ngành thép, thực phẩm.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, người giàu thứ hai sàn chứng khoán đến thời điểm này mất hơn 680 tỷ đồng khi cổ phiếu giảm hơn 40%. Việc giảm giá này khá trái ngược so với tình hình kinh doanh của công ty khi 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt hơn 2.938 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 7% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đầu năm đề ra và bằng 90% kế hoạch đã điều chỉnh. Một đại gia khác trong ngành thép là ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hoa Sen cũng bị hao hụt gần 580 tỷ đồng tài sản khi giá cổ phiếu HSG giảm 32%.

Sau khi bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International, năm 2015, giá cổ phiếu KDC giảm gần 50% khiến tài sản của hai anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên lần lượt giảm 518 tỷ và 179 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, với việc KDC trả cổ tức 20.000 đồng một cổ phiếu hồi tháng 8, những ông chủ của công ty đã thu về số tiền không nhỏ, riêng anh em họ Trần cũng sở hữu 47 triệu cổ phiếu.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG