Một năm căng mình chống đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM khiến nửa triệu người nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng hơn 20.000 người. Những nỗ lực thực hiện tổng hợp các giải pháp đã giúp thành phố từng bước kiểm soát được đại dịch.

Lịch sử

Cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021 những ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng Delta được phát hiện trên địa bàn TPHCM. Ngành y tế đã tiến hành điều tra truy vết hàng loạt chùm ca nhiễm trong cộng đồng, điển hình là chùm ca liên quan điểm truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp.

Một năm căng mình chống đại dịch ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải động viên cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên lên đường vào miền Nam chống dịch

Tuy nhiên, công tác điều tra, truy vết không theo kịp tốc độ lây lan, nếu thời điểm đầu tháng 5/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở vài quận, huyện thì đến tháng 6, số ca bệnh đã liên tục tăng nhanh và xuất hiện ở hầu hết các quận huyện. Giữa tháng 7 số ca mắc mới mỗi ngày tại TPHCM đã vượt trên 2.000.

Đến giữa tháng 8/2021 dịch tăng nhanh, mặc dù thành phố liên tiếp thành lập 25 bệnh viện dã chiến với quy mô gần 40.000 giường bệnh và huy động 54 bệnh viện tham gia chống dịch nhưng tất cả đều nhanh chóng rơi vào quá tải. Số ca mắc mới mỗi ngày từ 7.000 đến 8.000 trường hợp, số ca tử vong tăng nhanh, đỉnh điểm là ngày 23/8 có tới 340 người bị dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng.

Một năm căng mình chống đại dịch ảnh 2

Thích ứng an toàn với COVID-19 ảnh: Phạm Nguyễn

Dịch bùng phát chưa có tiền lệ trong lịch sử, các giải pháp phòng chống không đủ đáp ứng, thuốc điều trị chưa có, người dân chưa được chích vắc xin… đã khiến rất nhiều bệnh nhân tử vong trước khi được hỗ trợ y tế.

Năm nay TPHCM sẽ không tổ chức bắn pháo hoa. Tuy nhiên, thành phố sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ vào đêm 31/12/2021 và 1/1/2022. Chương trình biểu diễn văn nghệ do Thành Đoàn tổ chức tại nhà văn hóa thanh niên.

Bên cạnh những trường hợp mắc COVID-19 các nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền cần được điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các bệnh viện chuyển công năng sang hoạt động phòng chống dịch, hầu hết người bệnh phải tự điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng không thể tiếp cận dịch vụ y tế, trừ trường hợp cấp cứu khẩn nguy. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố gần bị “đóng băng”. Làn sóng dịch liên tiếp tăng cao không chỉ để lại tang tóc đau thương mà còn khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động đã tìm mọi cách rời thành phố về quê tránh dịch.

Từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố chìm trong giai đoạn khó khăn, đỉnh dịch kéo dài hơn 2 tháng. Thành phố triển khai liên tiếp 4 giai đoạn giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch.

BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nhớ lại: “Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa được đầu tư đúng mức để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh mới bùng phát, dẫn đến tình trạng quá tải và vượt ngưỡng năng lực điều trị tại tất cả các cơ sở cách ly, điều trị”.

BƯỚC NGOẶT

Trước tình hình dịch bùng phát, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TPHCM. Các giải pháp tăng cường hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị người bệnh đã được xúc tiến.

Từ ngày 8/3/2021, vắc xin đã được tiêm cho nhân viên y tế, đối tượng tham gia phòng, chống dịch. Từ giữa tháng 6, thành phố đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đến nay, toàn thành phố đã cơ bản chích ngừa mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên và đang đẩy nhanh tiến độ chích ngừa với mục tiêu hoàn thành mũi 3 trước Tết Nguyên Đán.

Theo BS Nguyễn Hoài Nam: “Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là giải pháp căn cơ đẩy lùi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế. Nhờ được hỗ trợ kịp thời về vắc xin nên thành phố đã nâng tỷ lệ bao phủ và đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chích ngừa”.

Trong tình thế ngành y tế TPHCM rơi vào quá tải nghiêm trọng, Bộ Y tế đã chủ động chi viện gần 9.000 nhân viên y tế từ khắp các tỉnh thành. Hệ thống bệnh viện dã chiến, Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 liên tục được thiết lập theo mô hình tháp điều trị 3 tầng. Nguồn hỗ trợ thuốc đặc trị COVID-19 (Remdesivir) cho các bệnh viện đã góp phần giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng, tử vong.

Để giải quyết tình trạng quá tải hệ thống điều trị, thành phố đã thí điểm mô hình cách ly, điều trị F0 tại nhà đối với người mắc COVID-19; thành lập tổ phản ứng nhanh tại phường xã; tổ chức trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; triển khai tổng đài tư vấn hỗ trợ trực tuyến cho F0, mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tổ y tế từ xa…

Bước ngoặt được tạo ra vào cuối tháng 8/2021 khi chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir kháng vi rút được Bộ Y tế đưa vào sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho các trường hợp F0. Thuốc được sử dụng cho các trường hợp có triệu chứng nhẹ đã mang lại kết quả khả quan giúp kiểm soát tốt nguy cơ, ngăn chặn tình trạng bệnh chuyển nặng.

Trong đợt dịch thứ tư, TPHCM có gần 500.000 người mắc COVID-19, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Hiện nay, số ca bệnh và số ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn đang giảm sâu. Năm 2022, thành phố sẽ chuyển sang giai đoạn phục hồi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, kiểm soát ngày càng tốt hơn dịch COVID-19, bảo vệ thành quả đã đạt được.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.