Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Đồ uống và sức khoẻ” do Viện Y học ứng dụng Việt Nam (thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, sâu răng, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương, thậm chí ảnh hưởng đến bệnh hen và hệ thống sinh sản.
Chẳng hạn như theo thống kê, tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng gần 7 kg trong một năm. Lý do là một lon nước ngọt 600 ml chứa lượng đường tương đương 36 gram.
Mỗi ngày uống một lon nước ngọt 600 ml, trong một năm cơ thể sẽ tiêu thụ thêm 23 kg đường. Lượng đường này trong các loại nước uống tăng lực là 24 gram một lon 250 ml. Do thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga chủ yếu là hương liệu, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt về mặt dinh dưỡng. Trẻ em, người già, người muốn giảm cân, mỡ máu, người bị đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận không nên dùng.
Cũng trong bài trình bày tại hội thảo, TS Trương Hồng Sơn đưa ra thông tin, không chỉ nước ngọt có ga, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn đạt tới con số 3,3 triệu người tử vong một năm. Trung bình, việc lạm dụng rượu bia có thể làm giảm đi khoảng 5 năm tuổi thọ của con người. Lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp liên quan đến 200 bệnh như xơ gan, ung thư, hệ thần kinh, tim mạch, đột quỵ… Lượng cồn càng nhiều, độc tính càng cao và không phụ thuộc vào loại rượu.
Đồ uống có cồn nếu dùng lạm dụng cũng gây ra những nguy hại cho sức khỏe.
Nếu một người nam uống trung bình trên 80 gram/ngày và nữ uống trên 60 gram một ngày, uống liên tục trên 10 năm thì nguy cơ xơ gan đến 12-15%. Nếu uống trên 160 gram một ngày liên tục trong bảy ngày, nguy cơ viêm gan do rượu sẽ xảy ra và nếu tiếp tục uống trên 8 năm thì nguy cơ xơ gan là 40%. Cách uống rất quan trọng, nếu ngày nào cũng uống thì độc cho gan hơn là thỉnh thoảng mới uống.
“Với đồ uống có cồn, trẻ em không nên dùng. Còn người hơn 65 tuổi không nên uống quá bảy ly một tuần, và không nên uống quá ba ly một ngày vào bất cứ ngày nào. Phụ nữ mang thai không sử dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là ba tháng đầu thai kỳ, dễ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh ra trẻ có cân nặng sơ sinh thấp và hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi” - TS Trương Hồng Sơn khuyến cáo.
Liên quan đến đồ uống, PGS.TS Phạm Văn Hoan- Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - đã nêu bật đến vai trò của nước đối với sức khỏe con người và đưa ra các số liệu trên thế giới cũng như Việt Nam về nhu cầu nước khuyến nghị cho từng lứa tuổi. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể, cần phải bổ sung nước mỗi ngày.
Nước rầt cần thiết cho cơ thể con người ngay từ khi mới sinh ra.
“Nhu cầu nước của cơ thể sẽ tăng dần theo mỗi lứa tuổi, từ khi còn là trẻ sơ sinh (cần khoảng 0,6 lít nước) cho tới khi là trẻ nhỏ (cần khoảng 1,7 lít nước). Với người trưởng thành, nhu cầu nước của nam giới cần khoảng 2,5 lít một ngày nếu có mức độ lao động thể lực nhẹ, có thể tăng lên 3,2 lít một ngày nếu lao động thể lực trung bình và 6 lít nước/ngày nếu lao động thể lực nhiều và sống trong điều kiện khí hậu nóng” - PGS.TS Phạm Văn Hoan nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Hoan, nhu cầu cần nước của nữ giới thấp hơn nam giới ở cùng nhóm độ tuổi khoảng từ 0,5-1 lít.