Một địa bàn, hai mức phụ cấp

Một địa bàn, hai mức phụ cấp
TP - Sở làm một đằng - Phòng làm một nẻo, đó là thực tế đang diễn ra trong ngành giáo dục ở Đắk Nông về việc trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đứng lớp.

> Tiền lương: Bất bình đẳng, không đủ sống

Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23-1-2006 của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ghi rõ mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đứng lớp: 30% lương đối với các trường THCS, THPT ở thị xã và 35% đối với miền núi.

Tại thị xã Gia Nghĩa, Sở GD&ĐT Đắk Nông và Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa đã trả phụ cấp ưu đãi chênh nhau 5%. Theo đó, giáo viên ở nhiều trường THCS ở thị xã Gia Nghĩa (thuộc quản lý của Phòng) chỉ được nhận 30%.

Trong khi các trường THPT (thuộc Sở GD&ĐT Đắk Nông) lại được hưởng 35%. Nếu tính từ năm 2006 đến nay, khoản chênh 5% sẽ là con số rất lớn.

Ông Lê Quang Dẫn, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa khẳng định: Phòng thực hiện đúng. Bởi theo Quyết định số 363/2005/QĐ-UBDT ngày 15-8-2005 của Ủy ban Dân tộc Chính phủ thì thị xã Gia Nghĩa không được công nhận là khu vực miền núi nên chỉ áp dụng mức ưu đãi 30%.

Còn ông Hà Văn Đại - Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đắk Nông nói: Sở đã chi trả đầy đủ 35% chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Còn Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa chi trả thế nào thì Sở không rõ.

Sở dĩ có vướng mắc này vì trước đây toàn tỉnh Đắk Lắk (cũ) được công nhận là miền núi. Sau đó, tỉnh Đắk Nông được tách ra từ Đắk Lắk và huyện Đắk Nông (cũ) được đổi thành thị xã Gia Nghĩa.

Mới đây, Sở Tài chính Đắk Nông có công văn đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể: “Thị xã Gia Nghĩa thì áp dụng mức phụ cấp đối với đơn vị ở miền núi hay mức phụ cấp đối với đơn vị tại thị xã?”. Trong khi chưa có câu trả lời, hơn 550 giáo viên thuộc quản lý của Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa vẫn chưa thôi thắc mắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.