Một bản nhận xét bất thường về dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A

Một bản nhận xét bất thường về dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A
TP - Bản nhận xét của đại diện Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch ủng hộ hoàn toàn dự án thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6&6A cách đây hai tuần khiến đại diện Ủy ban UNESCO ngạc nhiên và cho là bất thường và thiếu cơ sở khoa học.

> Thêm cơ hội loại thủy điện khỏi vườn quốc gia
> UNESCO Việt Nam: Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A
> UNESCO quan tâm thủy điện Đồng Nai

Kỳ vọng

Trong Công văn Số 45/TTg-KTN ngày 31-8-2011 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng khu vực Cát Tiên sang xây dựng dự án thủy điện ĐN 6&6A, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu rừng Phòng hộ Nam Cát Tiên thì dừng xây dựng dự án và thông báo cho chủ đầu tư biết”.

Để thực hiện yêu cầu đó của Phó Thủ tướng, đến thời điểm này, chưa ai - từ chủ đầu tư đến các bộ ngành liên quan, chỉ ra được đâu là “tiêu chí, mục tiêu và nội dung” cụ thể giúp “xác lập VQG Cát Tiên và Khu rừng Phòng hộ Nam Cát Tiên”.

Không biết có phải vì thế mà, trong tất cả các quá trình, người ta gần như phớt lờ các đánh giá tác động xã hội, văn hóa, và giá trị di sản mà dự án có thể gây ra.

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dù chủ đầu tư đã thay một tư vấn khác làm lại ĐTM gần như từ đầu, báo cáo ĐTM mới vẫn để lại lỗ hổng lớn.

Nhóm chuyên gia Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) nhận xét bằng văn bản: “Danh sách 17 thành viên của đoàn tư vấn ĐTM không có chuyên gia nào có chuyên môn về khoa học xã hội… Chính vì sự yếu kém này của nhóm tư vấn ĐTM,… họ đã kết luận sai lầm về tính khả thi của dự án”.

Thành phần hội đồng thẩm định do Bộ TN&MT lập cũng không khá hơn. Trong danh sách 13 thành viên ban đầu của hội đồng, cũng thấy thiếu khuyết thành viên là chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, xã hội, chuyên gia về di sản.

Không biết có phải nhận ra sự thiếu khuyết nghiêm trọng ấy không mà cuộc họp của hội đồng thẩm định bị trì hoãn nhiểu lần.

“Chúng tôi chưa tổ chức được cuộc họp hội đồng thẩm định là bởi còn chờ ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch”, TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định&ĐTM kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, có lần nói với phóng viên Tiền Phong.

Không chỉ thế, Bộ TN&MT còn mời hẳn một đại diện của Bộ Văn hóa TT&DL vào hội đồng thẩm định gần như vào những ngày chót.

Những động thái tuy muộn như thế khiến hầu hết những người khó tính đều thở phào. Đại diện Yêu quý&Bảo vệ Cát Tiên, một trong những nhóm tự phát với hàng nghìn thành viên trên cộng đồng mạng có quan điểm bảo vệ VQG Cát Tiên mạnh mẽ nhất, phải thốt lên: “Như thế tạm hài lòng”.

Thất vọng

Những ai quan tâm đến số phận VQG Cát Tiên đều không khỏi ngỡ ngàng trước ý kiến nhận xét của Bộ VH TT&DL như phản ánh sơ bộ trong bài “Phải làm cho rõ” đăng trên Tiền Phong (số 339, thứ ba 4-12-2012).

Không một chữ, một dòng nào đánh giá tác động của hai dự án ĐN 6&6A đến di sản được tìm thấy trong bản nhận xét. Không một thông tin nào được xem là riêng có của Bộ VH-TT&DL về thực địa nơi định làm dự án, về thực trạng di sản.

Tịnh không thấy đánh giá nào về các rủi ro có thể có của thủy điện ĐN 6&6A tác động lên di sản. Hầu hết chỉ là các chương hồi về những “căn cứ pháp lý”, “vị trí, diện tích và công xuất của hai thủy điện”, và “đánh tác tác động môi trường” gần như y chang từ báo cáo của chủ đầu tư.

Sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên, di sản đều là sự nghiệp của quần chúng, các cơ quan chức năng của nhà nước có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những cam kết mà chúng ta tham gia trong các hiệp ước, công ước quốc tế. Bộ VH-TT&DL là cơ quan chủ quản về các di sản của Việt Nam cần có những biện luận mang tính khoa học hơn khi đánh giá một dự án xâm phạm vùng lõi của VQG hay khu dự trữ sinh quyển.

Vậy mà, TS Lê Đức Chương, người viết bản nhận xét, kết luận thủy điện ĐN 6&6A “là hai công trình thủy điện đã chuẩn bị tốt các thủ tục để trình và giải trình nhiều cấp trong nhiều năm giúp cho Chính phủ xem xét và quyết định phê duyệt”.

Ông Chương là Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ&Môi trường, Bộ VH-TT&DL. Ông chính là đại diện của Bộ VH-TT&DL trong hội đồng thẩm định.

Một thành viên hội đồng thẩm định đề nghị giấu tên nói “Ủng hộ hay phản đối dự án là quyền của ông ấy. Nhưng chí ít trong bản nhận xét cũng phải chỉ ra dự án không ảnh hưởng đến di sản ở chỗ nào.

Chứ không thể không nói gì rồi bỗng nhiên “Tôi trân trọng đề nghị hội đồng thẩm định thông qua cho dự án công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A để sớm được triển khai”.

Bộ VH-TT&DL chốt hạ như thế, ai dám lên tiếng nữa đây? Tất cả các thành viên còn lại trong hội đồng, trong đó có tôi, đều không phải là chuyên gia về di sản.

Chúng tôi không có tư cách đánh giá tác động của dự án đến di sản. Vậy mà cơ quan chịu gác cổng cho Chính phủ về di sản lại nhận xét như thế ư?”.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người&Sinh quyển (MAB) Việt Nam thuộc UBQG UNESCO Việt Nam, cũng chia sẻ: “Nhận xét mang quan điểm cá nhân, mình cần tôn trọng. Nhưng ủng hộ hay không ủng hộ, cần có lập luận khoa học, chặt chẽ và có sức thuyết phục cao. Việc ảnh hưởng đến danh hiệu di sản cần phân tích dựa trên các tiêu chí mà UNESCO đã hướng dẫn. Điều này cần được phân tích sâu, có lập luận khoa học. Tôi chưa thấy những ý này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.