TS.Lê Thị Phương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022
TS.Lê Thị Phương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022 |
Hiện số lượng nhân lực trẻ, thanh thiếu niên đã qua đào tạo ở các bậc cơ bản như đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã tăng cao, nhưng trình độ thực tế vẫn còn hạn chế. Một phần vì công tác đào tạo còn trọng lý thuyết, chưa tập trung nhiều vào thực hành, khiến năng lực làm việc, sáng tạo và tiếp xúc thực tế bị hạn chế khá nhiều. Nhiều bạn trẻ được đào tạo chọn con đường làm việc và sinh sống tại các nước phát triển cũng khiến nguồn nhân lực trẻ trong nước hao hụt.
Cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đối thoại với thanh niên về chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”. Buổi đối thoại diễn ra với điểm cầu trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ; các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở T.Ư Đoàn và 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Với các ngành nghề công nghiệp, hiện đại nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng, tôi mong muốn Nhà nước đưa ra nhiều hơn các chính sách, các quỹ phát triển khả năng nghiên cứu tới các bạn trẻ từ cấp THCS đến THPT. Chúng ta không nên chỉ dựa vào điểm số, thành tích trên lớp học của học sinh mà cần dựa vào năng lực nội tại và năng lực tiềm ẩn của các em để đào tạo, phát triển.
Tại viện nghiên cứu nơi tôi làm việc, vẫn có các em ở các địa phương tới thực hiện nghiên cứu khoa học dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhưng số lượng rất ít. Khả năng tìm tòi, học hỏi của các em không thua kém gì một sinh viên đại học. Nhưng hiện không có nhiều tỉnh, trường có thể tạo điều kiện về chi phí, thời gian để ủng hộ các em làm nghiên cứu khoa học.