Trời vẫn mưa không dứt. Một người phụ nữ bế đứa con thơ, mặt tái dại đi vì chịu đói rét nhiều ngày. Chị thở ra: “Khi mô hết rét thì lau nở hoa. Lúc đó mới hết bão. Mọi năm, giờ ni lau nở trắng cả rồi. Nhưng năm ni chưa thấy lau nở hoa là biết còn lâu mới hết bão”.
Sáng 28/ 10, dưới mịt mù mưa bão, trong khi nhiều đoàn từ thiện đổ về “rốn lũ” Lệ Thuỷ (Quảng Bình) - nơi ngập sâu nhất để giúp đỡ người dân, đoàn từ thiện của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (FE Credit) tìm đường ngược lên miền núi biên giới để kịp thời giúp đỡ bà con dân tộc Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt. Đoàn đã tìm đến những nơi bị cô lập xa nhất để hỗ trợ.
Thơm Thảo 'một miếng khi đói'
Từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), vượt đường đèo lên biên giới Việt Nam - Lào hết gần nửa ngày mới đến được xã Trọng Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình). Thường ngày, con đường miền núi này vốn đã hiểm trở, nay bão lũ gây sụt lún càng đáng sợ hơn.
Xuất phát từ sáng sớm, buổi trưa có mặt tại Trọng Hoá, đoàn quyết tâm vào bằng được bản Lòm dù phải vượt 40km trong điều kiện giao thông khó khăn. Bởi ở đó, có những người dân đang bị cô lập và bất lực trước thiên tai nhiều ngày qua.
Ông Phạm Văn Bắc - Phó Chủ tịch xã Trọng Hoá trực tiếp dẫn đoàn vào bản Lòm chia sẻ khi xe bò lên núi trong từng đợt mưa quật rào rào: “Khổ lắm. Đồng bào dân tộc ở đây thường ngày đã rất nghèo. Họ thiếu kiến thức, thiếu kĩ thuật nên chỉ biết trồng những loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp như sắn, khoai. Không chỉ nghèo, họ còn gặp khó khăn về đời sống khi ở rải rác trên các triền núi, không thuận tiện trong giao thương. Vốn đã bị cô lập, nay bão lũ, càng bị cô lập hơn. Khả năng bị đói rét là rất cao. Chính vì vậy, giúp được họ một chút trong lúc này là thực sự rất giá trị”.
Khó tưởng tượng hết được cuộc sống đơn sơ, tạm bợ của người dân miền núi ở đây. Cầm trên tay món quà ấm áp từ đại diện đoàn từ thiện, một cụ bà người Chứt ở bản Lòm run lập cập vì mưa lạnh, nói bằng tiếng Kinh lõm bõm: “Ai cũng cần tiền mua gạo, mua mắm muối nhưng mưa bão, không làm được đồng nào để mua. Bão quá, cũng đâu ai thuê đi làm gì. Cảm ơn những người từ xa đến nhiều lắm”.
Tại Trọng Hoá, đoàn đã kịp trao 300 phần quà, mỗi phần 500 ngàn đồng tiền mặt cho người dân nghèo ở bản Lòm và một số bản khác. Sau đó, đoàn gấp rút di chuyển qua xã Dân Hoá.
Tại đây, nước lũ khiến những cụm dân cư bị chia cắt cục bộ gần cả tuần. Có những nhà dân bị cô lập nhưng bộ đội biên phòng không thể tiếp cận để hỗ trợ, phải dùng ròng rọc chuyển gạo vào từng nhà để cứu đói.
Mệ Liễu (62 tuổi, ngụ tại xã Dân Hoá) đờ đẫn vì chịu trận với bão lũ nhiều ngày liên tục. Mệ chia sẻ: “Người Sài Gòn mà tìm lên được đến đây là quý hoá quá. Không dân ở mô mà khổ bằng dân Trọng Hoá, Dân Hoá. Mùa khô thì nắng nóng cháy da người, khô hạn, không trồng trọt chi được. Mùa mưa thì lũ về như thác. Con của mệ chết năm 2007 vì lũ kéo về, chạy không kịp. Bà con ở đây đang bất lực vì miếng cơm manh áo. Được ai giúp đỡ một chút là mừng lắm. Vì ở nơi xa xôi trên núi như ri, mấy ai biết mà tìm đến giúp”.
Trao một bàn tay ấm kịp thời
Những hoạt động cứu trợ của FE Credit cho người dân miền Trung trong đợt bão lũ năm nay, một lần nữa cho thấy đơn vị này luôn đi đầu và kịp thời trong việc tìm đến những nơi người dân khó khăn nhất để giúp đỡ.
Riêng ngày 28/10, đoàn đã trực tiếp tìm đến hai xã Trọng Hoá và Dân hoá, trao tận tay người dân 600 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng. Bên cạnh đó, một đoàn đại diện cho CBNV của FE Credit cũng trao 400 bình lọc nước cho bà con huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Trước đó, đoàn cũng trực tiếp hỗ trợ 300 triệu đồng cho gia đình phóng viên Phạm Văn Hướng. Anh Hướng cùng 12 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong lúc cứu hộ, cứu nạn người dân tại thuỷ điện Rào Trăng 3. Gia cảnh anh Hướng rất khó khăn. Anh vốn “gà trống nuôi con” nên khi đột ngột ra đi, để lại 2 con gái bơ vơ trong độ tuổi đi học. Sự giúp đỡ kịp thời của FE Credit giúp cô con gái đầu là sinh viên và cô con gái sau là nữ sinh lớp 10 tiếp tục được đi học.
Đã có hơn 2 tỉ đồng được FE Credit đến tận nơi, trao tặng với nghĩa cử cao đẹp khi người dân gặp thiên tai, khó khăn. Đó là những chuyến thiện nguyện kịp thời, giúp đúng những trường hợp cần nhất.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng Giám Đốc FE CREDIT chia sẻ: “Năm 2020 đánh dấu cột mốc quan trọng 10 năm thành lập FE Credit. Đứng trước tang thương của người dân miền Trung khi bão chồng lũ, điều đầu tiên mà tập thể những người làm việc tại FE Credit đau đáu là làm sao để lên đường nhanh nhất, đến tận nơi khó khăn nhất để trực tiếp giúp những người đang lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Gần 10 năm qua, FE Credit đã xây dựng, bồi đắp tinh thần vì cộng đối với từng con người làm việc ở đây. Giá trị sẻ chia đã được chúng tôi hiểu sâu sắc, hành động nhanh chóng, hiệu quả và thiết thực để góp thêm một bàn tay ấm đỡ đần những hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần đó, chúng tôi đã tạm dừng một số hoạt động kỷ niệm 10 năm để dành một phần kinh phí ủng hộ người dân miền Trung mong thiên tai sớm đi qua để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Vẫn còn nhiều gia đình miền Trung sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Vẫn còn nhiều người miền núi chống chọi với đói rét thêm những ngày tới.
Ước những đám cỏ lau ở bản Lòm vùng biên cương sớm nở hoa, để đồng bào bớt khổ.