Nhưng sau trại hè năm lớp sáu, bọn nó lục túi không thấy cuốn sổ đâu, bèn hò nhau vật tôi ra lục lọi. Tôi vùng lên chạy thục mạng. Thế là cuốn sổ trong... bụng rơi ra. Mấy đứa cắm cúi xem bằng được, tôi cố giằng lại, nhưng cái Kim Tính đã oang oang:
- Chúng mày ơi, cái Nhàn nó có câu thơ mới toanh: “C.V rất mến yêu ơi - Gần MÀY, TAO thấy như đời sáng lên”. Tại sao nó phải giấu chúng mình? Khai ra mau, MÀY trong thơ của Nhàn là thằng nào đây?...
Ui cha, làm sao mà tôi dám khai chứ. Lúc ấy mới 13 tuổi, thơ viết nhăng, chúng nó mà biết có mà chết toi nên tôi đã phải đổi tên người mà tôi quý mến thành cái tên vớ vẩn C.V (tức là CỐ VẤN) và giấu cuốn sổ trong áo, gài vào cạp quần(!).
Chả là trại hè năm ấy, cả khối 6 được các anh chị phụ trách cho đến làng Đa Hòa - Hưng Yên hai ngày. Làng ở ngay gần bờ sông, lúc chúng tôi đi tàu đến thì đã gần trưa. Các bạn thiếu nhi trong làng đã chờ ở sân đình, vai đeo khăn quàng đỏ với quần cộc của các bạn trai, quần đen của các bạn gái và áo nâu áo xanh áo trắng đủ mầu. Chúng tôi cầm tay cùng nhau nhảy điệu sòn sòn sòn đố sòn- sòn sòn sòn đô la... tưng bừng. Buổi chiều, lại cùng nhau đi làm tổng vệ sinh khắp các xóm ngõ. Thật mệt và cũng thật vui.
Thế mà buổi tối, sau khi liên hoan văn nghệ với các bạn địa phương, tôi - đội trưởng đội TNTP lớp 6L bàn với ban chỉ huy đội là đêm nay phải có trò chơi gì để các bạn nhớ, mới vui! Và chúng tôi nhất trí là sau khi các bạn đã ngủ - chắc là say lắm vì cả ngày hoạt động nhiều - chúng tôi sẽ lấy nhọ nồi trộn mỡ... bôi râu toàn trại. Sáng mai dậy, chắc sẽ nhiều đứa cáu, nhưng tất cả sẽ tha hồ mà cười vì mặt đứa nào cũng râu ria xồm xoàm!!! Để chắc ăn, tôi thay mặt các bạn đến chỗ các anh chị phụ trách đang họp bàn gì đó, báo cáo dự định này. Chị Lê lắc đầu:
Phan Thị Thanh Nhàn- Đội trưởng Đội TNTP hồi học cấp 2
- Không được đâu, 8h30 sáng mai các em phải lên hội trường của xã rồi. Đừng để các bạn nhem nhuốc, cáu kỉnh.
Các anh chị khác cũng phản đối. Riêng anh Quế cười:
- Nhất quỉ nhì ma mà, các bạn cứ cho các em đùa chút. Mai dậy sớm, tắm táp xong chắc chỉ 7 giờ là cùng. Ăn sáng rồi lên hội trường vẫn kịp mà. Tôi chịu trách nhiệm cho.
Đó là lần đầu tiên, tôi thấy anh Quế thật... đáng iu!
Thế là bọn tôi hì hụi lấy mỡ trộn nhọ nồi, bôi râu khắp trại, xong là lăn quay ra ngủ, chẳng còn biết trời đất là gì.
Sáng tinh mơ hôm sau, có đứa lay vai tôi:
- Ê, dậy đi, chúng nó bôi mặt mũi mày đen như con khỉ rồi!
Tôi ngồi dậy, thấy gần như cả trại đang vây quanh lũ “chỉ huy đội” mặt mày còn đen hơn các bạn, vì đêm qua, bị bôi mỡ, kiến cắn, có đứa tỉnh dậy thấy bọn tôi mặt mũi sạch bong thì biết ngay thủ phạm, bèn bôi cho tất cả! Riêng tôi thì toàn bộ mặt mũi đen nhẻm như trát than vào mặt. Chúng nó vỗ tay đồng thanh hô:
- Nhàn đen Nhàn đen. Bôi người thì ít. Mặt mình nhọ nhem. Tỉnh dậy mà xem...
Từ đó, ở trường, tôi có tên húy là NHÀN ĐEN!
Tôi cười, không sao! Các anh chị phụ trách cũng chỉ là học sinh lớp 9 (bằng lớp 11 bây giờ) đã đứng cạnh chúng tôi, cũng cười. Anh Quế hô:
- Vùng lên, vùng lên. Ra tới hồ sen. Cùng nhau tắm táp. Tất cả sạch liền!
Thế là tất cả chạy ùa ra hồ của làng Đa Hòa. Các bạn gái ngoan ngoãn ngồi ở bậc đá, cùng chị Lê hì hụi giặt áo của cả bọn đã loang lổ vệt nhọ đen, còn anh Quế và các bạn trai nhảy xuống ao, bơi thoăn thoắt sang bờ bên kia, sau khi đã cởi áo lấm lem cho các bạn gái giặt giùm! Là dân hồ Tây, tôi cũng liều bơi theo(!). Khi anh và các bạn trai đã sang đến bờ bên kia, bọn con gái thấy tôi còn lóp ngóp giữa hồ thì hoảng, đồng thanh gọi với sang:
- Anh Quế ơi- Cái Nhàn sắp chết đuối rồi!
Anh và các bạn trai quay lại. Không ai nhảy xuống bơi ra cứu, vì chắc nhìn là biết tôi có thể cố gắng bơi qua được! Và tất cả theo lệnh của anh, đồng thanh hô:
- Nhàn ơi cố lên. Mệt thì bơi đứng. Cố lên cố lên!
Tôi xấu hổ quá, không dám bơi đứng, mà cứ bình tĩnh bơi ếch , từ từ vào bờ. Còn cách bờ khoảng hai sải tay, anh lội xuống, chìa tay kéo tôi lên và cúi xuống nói nhỏ:
- Em giỏi lắm.
Và quay lại các bạn, anh hô to:
- Các em cùng hoan hô đội trưởng nào!
Thế là từ hai bờ, bạn bè rầm rập vỗ tay, mừng tôi ... thoát chết!
Buổi tối hôm ấy, tôi lúi húi ghi vào sổ tay câu thơ “C.V rất mến yêu ơi”...
Các bạn ơi- anh thật là người lớn, thật là đàn anh, thật là trẻ trung khỏe mạnh và vui vẻ. Anh lại còn rất thông cảm với trò nghịch ngợm của tuổi học trò và chín chắn trong mọi tình huống, có cách giải quyết… không chê vào đâu được. Và điều làm trái tim tôi run rẩy, là khi đã mệt tưởng chết lúc bơi gần tới bờ, anh đã đưa bàn tay ấm áp, vững vàng cho tôi và nói khẽ: “Em giỏi lắm”. Chao ôi. Kỷ niệm này chắc sẽ không bao giờ tôi quên!
Sau đó, mỗi khi đội chúng tôi họp hành mà anh đến dự, tôi thường ngồi im thin thít, lặng lẽ quan sát anh rồi ghi vào sổ tay:
Gần MÀY vì sao TAO mến?
Chính TAO không hiểu vì sao
Có lẽ vì MÀY giỏi quá
Giỏi đàn, giỏi cả thể thao...
Từ sau trại hè, biết anh hay chơi đá bóng ngoài sân vận động của trường, tan học buổi chiều, tôi thường rủ lũ T.B ra xem. Và về, lại ghi vào sổ tay:
Trong nắng chiều hè rực rỡ
Mái tóc CV vàng hoe
Và MÀY hăng say đá bóng
Càng nhìn càng thấy đẹp ghê!
Khi đến họp với bọn tôi, anh còn thường mang theo cây đàn ghi ta và vừa chơi đàn vừa hát cùng chúng tôi: “Đàn thân yêu dạo khúc ca xưa êm đềm. Lòng ta hồi nhớ...”
Trong sổ tay của tôi, có thể còn nhiều câu thơ tôi MÀY TAO với anh như vậy. Tôi đã luôn cố gắng để mình không bị anh coi thường. Và tôi đã là đội trưởng đội TNTP suốt ba năm học cấp 2, là Tổng biên tập tờ báo Khăn Quàng Đỏ của khối và mỗi lần Ban biên tập chúng tôi họp, được anh đến dự, tôi lại càng cố gắng có bài hay đóng góp và nói bạn “họa sỹ” Chu Hoạch trình bày báo tường thật đẹp. Tuổi thơ của tôi, bây giờ nhớ lại, vô cùng đáng yêu...
* *
*
Trong một buổi giao lưu với sinh viên một trường đại học, có em hỏi tôi:
- Thưa cô, nếu trong tuổi học trò, mà chúng em yêu thì có hại gì không ạ?
Trang lưu bút anh phụ trách Lê Ngọc Quế viết cho Phan Thị Thanh Nhàn
- Tôi nhớ, hồi đã học ở lớp báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương mở, chúng tôi vẫn bị cấm yêu! Nhưng đó là cấm những tình yêu xác thịt với những tiếp xúc quá thân mật, gần gũi khi còn cần phải học hành nghiêm túc. Tôi nghĩ, tình cảm khác giới là một thứ tình cảm rất tự nhiên. Dù còn đi học, nếu em quý yêu một người nào đó, dù là thầy cô giáo, anh chị phụ trách hay bạn bè cùng lớp, mà em biết giữ kín cho riêng mình, biết ngưỡng mộ và cố gắng học theo, thì chắc là em sẽ không dám học dốt, luộm thuộm, nói bậy hoặc ăn quà vặt... nữa. Như vậy, chắc là rất tốt cho em.
Và cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng ý kiến này.
MỐI TÌNH Ô MAI của tôi đến đây là hết. Có lẽ anh Lê Ngọc Quế (mà tôi viết tên thật của anh), nếu có đọc được bài báo nhỏ này cũng sẽ ngơ ngác không nhớ nổi cô bé NHÀN ĐEN ngày xưa là ai trong số hàng trăm thiếu nhi mà anh đã cùng các anh chị khối cấp 3 phụ trách thủa nào!
Suốt mấy chục năm, từ sau khi học xong lớp 7 (tức lớp 9 bây giờ) và làm lễ ra đội TNTP, gần như tôi không gặp lại anh Quế. Nghe nói anh đã tốt ngiệp đại học, đã có bằng tiến sỹ và chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống từ lâu. Dạo chúng tôi ra đội, anh - cũng rất vô tư như các anh chị phụ trách khác, đã viết lưu bút cho tôi tới hơn 6 trang giấy. May là tôi còn giữ được. Trong số các bạn thân nhóm T.B, có Kim Tính là hiểu tôi nhất. Một lần tôi vào Sài Gòn, Kim Tính gọi điện mời anh Quế cùng đến thăm tôi ở khách sạn. Anh đem cho tôi một cây hoa (mà tôi nhớ là hoa lan). Anh vẫn vô tư, coi tôi là một trong các thiếu nhi mà anh từng phụ trách. Có lẽ đó cũng là điều may mắn. Kim Tính, cho đến nay, vẫn là bạn gái yêu quý biết giữ kín những gì không nên bộc lộ...
Tôi có thể nói thêm một chút, như anh Quế đã ghi dưới bài lưu bút, địa chỉ của gia đình anh ở 75 Hàng Bồ. Đó là nơi ở của gia đình bác Lê Cường, hồi đó là thành phần tư bản ở Hà Nội, rất bị kỳ thị, con cái không được thi vào đại học. Chắc chắn anh Quế mà tôi hâm mộ phải tuyệt đối học giỏi, thông minh và quyết tâm, mới có thể có bằng đại học, và sau đó, là bằng tiến sỹ. Tôi thường ít khi nhầm khi chọn thần tượng cho mình, dù là khi còn nhỏ!
Tháng 1/2015
Gần MÀY vì sao TAO mến?
Chính TAO không hiểu vì sao
Có lẽ vì MÀY giỏi quá
Giỏi đàn, giỏi cả thể thao...
Thơ của cô bé Nhàn “đen” tức nhà thơ
Phan Thị Thanh Nhàn sau này