Tò mò với đám cưới lạ kỳ, nghe đã đủ thấy những sự bất thường, tôi theo chân một người bạn về lại ngôi nhà của cặp vợ chồng mới cưới. Con đường dẫn vào ngôi nhà hạnh phúc ấy ngoằn ngoèo như con rắn vắt vòng quanh những ngọn núi cao dựng đứng. Từ Hà Nội về ước chừng cũng khoảng hơn 200km, bản Trâu (xã Chi Lễ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) nằm lọt thỏm trong những khấp khểnh ghềnh đá, những nương ngô xơ xác với những mái nhà thấp lè tè ngại ngùng lẫn trong những tán rừng vạm vỡ.
Ngôi nhà của hai vợ chồng ấy nằm ngang một ngọn đồi. Bên cạnh là nhà mẹ, nhà em gái. Và phải đi một quãng đường khá xa nữa mới có thể gặp được một hộ gia đình. Đón chúng tôi, hai vợ chồng ngồi trên hai chiếc xe lăn trước cửa, miệng cười tươi rói ngập tràn hạnh phúc. Chồng, Hoàng Văn Tuấn khá nhanh nhẹn khoe, năm nay đã 37 tuổi và đám cưới của anh diễn ra sau đám cưới của… con gái anh gần 1 năm. Hiện, anh đã là ông ngoại. Vợ, Nguyễn Thị Ngọc, 25 tuổi, có vẻ bẽn lẽn như bao cô gái mới về nhà chồng, cứ loay hoay với chiếc xe lăn, đi ra, đi vào mấy căn phòng nhỏ với những tấm ri – đô phơ phất.
Yêu nhau từ 10 nghìn đồng
Tuổi thơ của Tuấn bầm dập như ngọn cỏ giữa đường. Mới 5 tuổi, Tuấn mất cha, mẹ đi bước nữa. Mười chín tuổi, như nhiều trai bản ở đây, Tuấn lấy vợ và sinh được một bé gái kháu khỉnh đặt tên là Hoàng Mai Hoa. Nhưng cuộc sống cay nghiệt với anh khi bé Mai Hoa mới được 9 tuổi. Trong một lần đi lấy hàng về, một tai nạn ập đến. Một số bạn bè của Tuấn sau này kể rằng, khi Tuấn vừa ngồi trên xe máy đi được một đoạn thì lao vào một đống đá, chân gập về phía trước, Tuấn nằm viện mất hơn 6 tháng. Ra viện, Tuấn trở thành người tàn tật. Nhưng đắng cay hơn là trong những ngày cơ cực nhất, Tuấn phải nhìn vợ lên xe hoa qua khung cửa sổ mà lòng đau nhói.
“Thực sự tôi nhận thấy đám cưới của Tuấn - Ngọc là một đám cưới kỳ lạ nhất trong đời tôi từng gặp. Chúng tôi dù nghèo nhưng cũng mong các cháu được hạnh phúc”.
Ông Hoàng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lễ nhận xét
Tai nạn khủng khiếp đó đã khiến cho Tuấn không đi lại được. Cuộc đời anh gắn chặt với chiếc xe lăn từ đó. Nhưng anh không nản chí mà vẫn cần mẫn làm việc, những việc vô danh mà trong xóm nhỏ của anh ai cũng có thể làm được nhưng họ vẫn mang đến cho anh bởi mong muốn được nhìn thấy nụ cười của anh mỗi ngày.
Dần dà, anh “đầu tư” nhiều hơn cho công việc sửa chữa máy móc, thiết bị cơ khí trong xóm. Rồi một hôm, có mấy cán bộ ngân hàng chính sách đến thăm, cảm thương hoàn cảnh của anh, họ bày cho anh cách để giao lưu với nhiều người hơn thông qua mạng internet. Họ dạy anh cách lập Facebook, chỉ cho anh cách vào những trang của người khuyết tật để giao lưu.
Vốn là người nhanh trí, ngay tối hôm đó anh đã có thể vào được các trang này và cảm thấy một chân trời mới như mở ra đối với mình. Lần đầu tiên, anh thấy mình không phải là người duy nhất thiệt thòi trong cuộc sống này. Anh chủ động liên hệ với một số “nick” trên mạng với mong muốn tìm được sự đồng cảm. Trong số đó, có một người khi anh gọi điện thì không trả lời nhưng có nhắn lại: “Máy của tôi hiện đang hết tiền”. Suy đi nghĩ lại, Tuấn quyết định “bắn” cho người bạn chưa quen 10 nghìn đồng vào tài khoản. “Mình không ngờ là Ngọc sau đó gọi điện ngay cho mình. Chúng mình đã có một cuộc nói chuyện dài và đó là cuộc nói chuyện quan trọng nhất trong cuộc đời mình”, Hoàng Tuấn kể.
Lấy nhau với… 78 nghìn đồng
Nguyễn Thị Ngọc bị tai nạn bất ngờ khi cô đang ngồi trên xe ô tô chở khách. Chiếc xe container đi cùng chiều rẽ ngang nhưng lái xe khách không để ý lao chéo đầu xe qua. Ngọc ngồi ở giữa xe nhưng cũng bị chấn thương nặng và được đưa đi bệnh viện ngay lập tức cùng với nhiều hành khách trên xe. Sau vụ va chạm đó, các cơ chân của cô cứng dần và không thể cử động được. Mọi thứ trước mắt cô gái mới lớn tưởng như đã sụp đổ hoàn toàn.
Nhưng đến bây giờ, trước mặt tôi là một cô gái luôn nở nụ cười hạnh phúc. Nhớ lại khi mới quen Tuấn, Ngọc vẫn không lý giải được vì sao mình có một quyết định can đảm đến như thế. Đó là vượt mấy trăm cây số để đến với một người mà mình chưa biết nhà anh ta ở đâu, gia đình anh ta thế nào? Còn Hoàng Tuấn tâm sự: “Khi hỏi Ngọc là dám đến ở với mình như vợ chồng không và Ngọc không ngần ngại đồng ý, mình đã thấy thực sự hạnh phúc và mình quyết tâm phải lấy cô ấy cho bằng được”.
Tuấn bên sản phẩm hoa nhựa của vợ.
Vài ngày sau, Tuấn tiếp đón một đoàn khách lạ. Đó là những người họ hàng của Ngọc ở Bắc Giang đã quyết định vượt hơn 100 km để xem người nào đã bỏ bùa cháu mình. Số là, bố mẹ Ngọc sau khi biết chuyện đã gọi điện cho những người bà con ở gần nơi Tuấn để kiểm chứngthông tin. Và tất nhiên, với người cháu tàn tật, mọi người đưa ra đủ các lý do để cô từ bỏ: Tuấn đã có một đời vợ, có con cái? Rồi hai vợ chồng tàn tật sẽ làm thế nào để nuôi nhau? Những lúc trái gió trở trời, người lành chăm nhau còn khó huống chi là người khuyết tật? Nhưng Ngọc kiên quyết: “Con muốn gắn bó với anh ấy”. Bố Ngọc đồng ý với quyết định của con gái mình.
Nhận được tin mừng, Tuấn không ăn không ngủ mấy ngày. Phần vì vui, phần lớn vì… lo. Đếm đi đếm lại trong túi chỉ có… 78 nghìn đồng, lấy tiền đâu mua nhẫn cưới, mua áo cưới, lo ăn uống hai họ, rồi tiền đi về tận Đông Hưng, Thái Bình. Tuấn nghĩ đến những người thường hay lui tới nhà mình, đó là Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lễ lúc bấy giờ là ông Hoàng Ba. Ông Ba ngay lập tức rút nốt số tiền lương của mình trong tài khoản 5 triệu đồng thuê một chuyến xe về Thái Bình đón niềm vui cho một người công dân
trong xã.
Một chuyến xe 16 chỗ được bố trí đi từ xã Chi Lễ về nhà gái. Chú rể vẫn vận bộ quần áo lao động hàng ngày. Trên xe, mọi người hỏi nhau: Thế đến nhà gái sao không có cau trầu? Xe lại tấp vào bên đường, hỏi đi hỏi lại chỉ có… hoa cau chứ không kiếm đâu ra trái cau lúc bấy giờ. Mọi người góp được thêm… 600 nghìn đồng để trả tiền hoa cau và một chút kẹo bánh rồi lại lên đường về nhà gái theo sự chỉ dẫn từ…Google Map trên máy điện thoại của một người bạn “sành điệu”.
Ước mơ nhỏ nhoi
Đám cưới của Tuấn và Ngọc diễn ra trong sự đầm ấm của cả hai gia đình. Cô dâu không mặc áo dài, chú rể không comple, cà vạt. Mở cửa chiếc xe hoa 16 chỗ, cô dâu và chú rể phải có 2 người khiêng xuống. Nhưng đến bây giờ, sau 6 tháng sống ở nhà chồng, Nguyễn Thị Ngọc không giấu được niềm hạnh phúc: “Chồng em rất quan tâm đến em. Mọi thứ đồ vật trong gia đình được bố trí phù hợp với hai vợ chồng. Đặc biệt, mẹ chồng và các cô em gái rất tốt bụng, thường xuyên làm em bất ngờ với những món quà tặng tuy nhỏ nhưng ấm áp hoặc những việc làm thầm lặng cho vợ chồng em”.
Chút ưu tư về tương lai.
6 tháng trôi qua, tuy không phải là dài nhưng cũng đủ để đôi vợ chồng trẻ còn thiếu thốn đủ bề nhận ra những giá trị mới của cuộc sống. Ngọc tiếp tục với công việc làm hoa nhựa giúp cô kiếm khoảng vài chục nghìn đồng một ngày. Hiện nay, Ngọc cũng khá khó khăn trong việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm của mình. Hoàng Tuấn đang trở thành một “ngôi sao” ca nhạc ở làng quê nghèo với chất giọng trầm ấm, đóng vai trò như một MC, một ca sĩ trong những đám cưới làng.
Họ vẫn hàng ngày chăm sóc nhau bằng tất cả sự nỗ lực của mình. Tuấn khoe, đi hát đám cưới mỗi lần được trả cát-xê đến hàng triệu đồng. Nhưng nhiều người không biết cứ vỗ vai hoặc lắc tay anh mạnh cũng khiến anh phải nằm liệt giường cả mấy ngày. Với lại, hát đám cưới chỉ có mùa. Anh muốn được trở lại với công việc làm cơ khí của mình, nhưng đầu tư mở quán chí ít cũng phải mất hàng chục triệu đồng để mua thiết bị, máy móc… Số tiền ấy với hai vợ chồng Tuấn - Ngọc là con số không hề nhỏ và bây giờ vẫn là mơ ước chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.