> Ai khiến nhà văn mạnh mẽ?
> Tiễn mẹ đi công tác
Ban đầu Kafka được tác giả gọi bằng mấy chữ “ông tiến sĩ”, và sau đó là “Franz”. Nhưng tất nhiên, không thể nhầm lẫn, người được nhắc đến trong tiểu thuyết Phút tráng lệ cuối đời chính là ông, Kafka, người mắc bệnh lao đến kiệt sức trong 6 năm cuối đời. Những người tình nổi tiếng trước đó của ông như Felice Bauer và Milena Jesenska cũng đều được viết tắt tên: F. và M.
Mối tình say đắm giữa Franz, 40 tuổi và Dora, 25 tuổi, là tâm điểm cuốn sách đầy lãng mạn này, nhưng tác giả có vẻ như không muốn gắn chặt nó với cái tên nổi tiếng của nhân vật chính. Dường như ông muốn độc giả tập trung hơn vào câu chuyện tình.
Tác giả dùng hai đại từ nhân xưng “ông” và “cô” để thể hiện khoảng cách tuổi tác của họ, nhưng vẫn không giảm đi chút nào chất mê đắm của một mối tình cuối đời.
Về phía Dora, cô si mê ông, cũng như nửa số phụ nữ ở thị trấn nhỏ Muritz. Franz là người đàn ông có sức hút đặc biệt với phụ nữ cả mới lớn lẫn trưởng thành, dù thời điểm này là quãng thời gian yếu ớt và tàn lụi của ông (mắc bệnh lao).
Nhưng không thể hiểu nhầm tình yêu Dora dành cho Franz một phần là vì danh tiếng của ông. Sinh thời Kafka chưa hề là nhà văn nổi danh, những kiệt tác còn chưa xuất bản mà bị tác giả giấu kín, thậm chí muốn đốt đi. Ông bệnh tật, khảnh ăn, khó chiều, quá gầy yếu, sụt cân luôn luôn.
Tình yêu của Dora giản dị và vị tha như chính con người cô. Cô không mơ đến những khoảnh khắc rực rỡ và cũng không khắc sâu những điều như vậy trong trí nhớ. “Nếu phải viết đời mình ra giấy, cô sẽ viết toàn chuyện lặt vặt, vì niềm hạnh phúc, theo cô, sẽ là lớn nhất khi nó nhỏ xíu, đó là lúc ông buộc dây giày, lúc ông ngủ, lúc ông vuốt tóc cô”. Cái chết sớm của Kafka (41 tuổi) là điều bất hạnh đối với đời người, nhưng gặp gỡ người tình như Dora trong một năm cuối đời lại là may mắn lớn ít ai có được.
Trong một năm cuối đời Franz vẫn viết, nhưng có lúc ông yêu cầu Dora đốt hết, vài ba tiểu thuyết, hàng chục truyện ngắn, thư từ… - những thứ ông coi là “vô giá trị”. Người tình trẻ đã từ chối. Một phần nhờ đó mới có những Lâu đài, Vụ án, Hóa thân (các kiệt tác của Kafka), và cả Phút tráng lệ cuối đời.
Thật khó để viết một cuốn sách mà ai ai cũng biết kết cục từ khi đọc lời giới thiệu. Kumpfmuller đã mô tả sự chia ly theo cách không bi lụy. Tuy vậy độc giả lưu ý một điều: Đừng đồng nhất câu chuyện trong sách với đời thực. Vì thư từ của Kafka và Dora Diamant ngoài đời không còn nữa. Nhà văn Kumpfmuller đã phải vận dụng khá nhiều óc tưởng tượng. Ông rất thành công.
Phút tráng lệ cuối đời - tên bản dịch tiếng Anh The Glory of Life, bản tiếng Việt do Lê Quang dịch, Nhã Nam ấn hành. |
“Cô chẳng hề nhìn căn phòng, cứ đứng đó mỉm cười, ngắm nhìn ông, ông tiến sĩ chỉ còn phải lấy áo choàng, nhưng thay vì thế, không hề báo trước, ông ôm cô. Đúng hơn là ông chỉ rướn người về phía trước, gần như lướt đến, ông hôn lên tóc và trán cô, vừa hôn vừa thì thầm, cả nụ hôn cũng tựa như lời thì thầm, ông vui vô cùng. Từ khi phát hiện được cô trong bếp, ông vui vô cùng” – trích trang 32 tiểu thuyết Phút tráng lệ cuối đời. |