Người viết lại câu chuyện ấy thành cuốn sách “Bụi cát chân mây” không ai khác, chính là người phụ nữ duy nhất của cuộc đời ông: Bà xã Bùi Thị Giang. Bà Giang lấy nước mắt của người đọc, ngay từ lời thưa (lời mở đầu) cuốn sách: “Và tôi hoàn thành “Bụi cát chân mây” như một lời tạ tình cho mối tình duy nhất của tôi với anh Lê Hữu Ty (Lê Cung Bắc)”.
Hai năm sau ngày Lê Cung Bắc từ biệt nhân thế, bà Giang và gia đình mới ra mắt cuốn “Bụi cát chân mây” hơn 200 trang (NXB Hội Nhà Văn). Tôi hỏi bà: “Cuốn sách này nên xếp vào thể loại hồi ký hay tự truyện?”. Bà thành thật đáp: “Tôi cũng không biết nó thuộc thể loại gì. Tôi chỉ ghi lại theo lời kể của chồng tôi”. Khi NSƯT Lê Cung Bắc nguy kịch, nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, bà Giang đọc cho chồng nghe mấy trang bản thảo. Bất giác ông mở mắt, nhìn thấy chữ “Bụi cát chân mây”, mắt ông nhoè lệ. Tên sách “Bụi cát chân mây” do chính Lê Cung Bắc đặt.
Khi còn khỏe mạnh, đạo diễn Lê Cung Bắc chưa từng có ý định viết hồi ký hay tự truyện. Khi ông lâm trọng bệnh, hai “nàng thơ” của ông tới thăm. Diễn viên Hồng Ánh và diễn viên Võ Sông Hương gợi ý ông nên kể lại đời mình, mục đích nhằm giúp ông quên đi nỗi đau đớn của bệnh tật. Ông đồng ý và bắt đầu kể cho Võ Sông Hương ghi, từ ngày 5/4/2021: “Tôi nói những dòng này để Võ Sông Hương ghi lại trong lúc tôi biết rằng dòng đời của tôi đã cạn, tôi không biết ngày nào sẽ rời khỏi thế gian. Cổ nhân thường nói: Tiếng hót của con chim sắp chết rất đáng thương, lời nói của người sắp chết rất chân thành…”. Lê Cung Bắc vừa kể, vừa khóc.
“Vợ yêu dấu của tôi”
Sách “Bụi cát chân mây” |
Lê Cung Bắc, tên thật Lê Hữu Ty. Ông dùng một câu trong tiểu thuyết “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng để miêu tả đời mình: “Tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu”. Quê ông ở làng Xuân Thành, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội của ông là ngài Lê Phát, tự Tĩnh Trai, hiệu Hồi Sanh, là người mang vinh hiển cho mảnh đất Xuân Thành. Cha Lê Cung Bắc học hành đỗ đạt, xuất chính làm quan, sau về hưu với hàm Hàn Lâm viện Thị giảng, được người làng kính trọng gọi là Quan Thị.
Quan Thị có ba người vợ. Lê Cung Bắc là con thứ ba, cũng là con út, của người vợ thứ ba. 10 tháng tuổi, Lê Cung Bắc đã mồ côi cha, mẹ ông phải bươn chải để lo cho đàn con. Dù cuộc sống bấy giờ vô cùng khó khăn, khắc nghiệt song may mắn ông vẫn được học hành đầy đủ. Ông mê triết học, học triết học với thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Trường Quốc học Huế.
Kết thúc bậc trung học với bằng Tú tài toàn phần, Lê Cung Bắc vào học ở Viện Đại học Đà Lạt. Đạo diễn của bộ phim truyền hình đình đám thập niên 90, “Người đẹp Tây Đô”, từng mơ ước trở thành nhà ngoại giao, ông chọn môn Bang giao Quốc tế khi học ở Viện Đại học Đà Lạt. Cũng chính tại Viện Đại học Đà Lạt, Lê Cung Bắc đã gặp “một nửa” của đời mình, người mà đến những ngày cuối đời, ông vẫn gọi là: “Vợ yêu dấu của tôi”.
Đạo diễn Lê Cung Bắc thời trẻ |
Phu nhân của đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc gốc Bắc, sinh ở Bắc Giang. Dòng hồi ức của Lê Cung Bắc cuốn hút người đọc, lấy nhiều nước mắt, nụ cười của người đọc nhất chính là những trang viết về người vợ của mình. Trong những ngày tàn của cuộc đời, Lê Cung Bắc nhớ lại thuở ban đầu của mối tình kéo dài 49 năm.
Từ phòng bệnh, đạo diễn nhìn ra bên ngoài, mưa xám xịt. Lê Cung Bắc hỏi vợ, có còn nhớ những ngày ông lẽo đẽo theo bà ở Viện Đại học Đà Lạt không? Khi ấy, bà cầm dù che mà chẳng che cho ông, để ông chịu ướt. Bà cười: Hồi đó bà chưa ưng ông. Vẫn đang ghét ông nên không cho ông đi chung dù. Chẳng ngờ, người bà ghét đã trở thành người đàn ông của cuộc đời bà.
Ngay từ khi còn ngồi trong trường, Lê Cung Bắc đã bộc lộ đam mê, năng khiếu nghệ thuật và tính nghệ sỹ. Bà Giang nhớ lại lần đầu tiên được bạn trai mời đi ăn mì Quảng.
Chàng chở nàng trên chiếc xe gắn máy cũ mèm, cứ lên nửa dốc lại chết máy, ì ạch mãi họ mới đến quán mì Quảng bà Năm. Nhưng khi hai đứa ăn xong chàng đứng lên thản nhiên nói với chủ quán: “Bà Năm, hôm nay ghi sổ nha”. Lần đầu mời bạn gái đi ăn mà ghi nợ, trên đời chắc chỉ có Lê Cung Bắc! Thế mà người con gái ấy vẫn không buông tay, nguyện theo chàng suốt đời, ngay cả khi bão tố ập xuống
Ngày 24 tháng 4 năm 72, Lê Cung Bắc bị ép nhập ngũ. Vào trại lính ông nằm khóc vì tủi thân. Lịch sử đất nước sang trang mới. Ngày 25 tháng 6 năm 1975 ông lên đường học tập cải tạo.
Ngày 2 tháng 3 năm 1978 ông được trở về. Những ngày buồn bã trong cuộc đời Lê Cung Bắc là những ngày ông ra trại, về vùng kinh tế mới ở ấp Trảng Lớn, xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (nay là khu phố Trảng Cát, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại đây, ông dựng cái lều bằng tre để sống, ngày ngày trồng khoai lang, trồng bắp, nuôi gà…
Đến kỳ thu hoạch ông lại mang đi bán, nào chuối, khoai lang, khoai mì. Sau những giờ lao động cật lực ông nhậu với anh em xe thồ, men say ngấm ông hát, rồi ông khóc, khóc cho thân phận mình, đèn sách bao năm, ôm bao hoài bão, để rồi còng lưng cuốc đất trồng khoai. Trong màn đêm đen tối đó, vợ ông là ánh sáng.
Phu nhân Lê Cung Bắc thời trẻ |
Bà đi dạy học cách nơi ông ở mấy trăm cây số. Mỗi lần bà về thăm chồng phải qua 4-5 chặng xe rồi đi bộ 4 cây số đường rừng qua trảng cát, qua suối, mới đến được nơi chồng ở. Gặp hôm đông khách, bà phải đu bám phía sau xe bằng một tay, tay kia giữ chặt cái giỏ đựng đồ tiếp tế cho chồng.
Có hôm bà trở về vào lúc 3 giờ sáng, trong giỏ ngoài nhu yếu phẩm còn có 3 lon bia mua lại của nam giáo viên trong trường. Ông cho 3 chai bia vào giỏ, thả xuống giếng. Hôm sau vợ chồng cùng nhau ăn uống, ngụm bia mát lạnh đẫm ân tình của vợ, cả khi gần đất xa giời, Lê Cung Bắc vẫn không thể nào quên.
Khi đã về già, Lê Cung Bắc và vợ vẫn có thói quen chiều chiều ngồi trên sân thượng uống bia. Ông uống 1 lon rưỡi, bà uống nửa lon. Đến ngày sức khoẻ ông suy kiệt, không còn uống được nữa, ông lặng lẽ ngồi ngắm vợ uống một mình.
Đối với ông, cái chết không đáng sợ mà sự cô đơn của bà khi ông ra đi mới là nỗi lo, nỗi buồn của ông. Ông nói với bà: “Anh sống đến tuổi 75 này đã là sự ban ơn của Trời Phật nên cái chết đối với anh bây giờ rất nhẹ nhàng… Chỉ thương em… vợ chồng mình hủ hỉ bên nhau cũng gần tròn 50 năm, anh đi yên phần anh chỉ tội cho em ở lại một mình”.
Quan trọng là thương yêu nhau thiệt lòng
Tôi hỏi phu nhân cố đạo diễn: Làm thế nào để trói tim một nghệ sỹ tài năng và nổi tiếng như Lê Cung Bắc? Bà nhỏ nhẹ: “Chúng tôi yêu nhau, tin tưởng nhau. Anh tạo cho gia đình niềm tin tuyệt đối. Tôi không bao giờ thắc mắc, băn khoăn, anh đi đâu, làm gì? Có những bạn diễn tới nhà tôi tuổi chỉ 18, đôi mươi, nhiều khi đùa giỡn gọi chồng tôi là “anh”, xưng “em”. Nhưng quay sang tôi lại nói: “Thưa cô”, rất tức cười. Nhưng tôi không nặng nề chuyện ấy, quan trọng là chúng tôi yêu thương nhau thiệt lòng”.
Bà Giang vẫn giữ giọng Bắc, trừ một vài từ bà dùng theo cách của người miền Nam. Bà tiết lộ: Ở nhà, đạo diễn Lê Cung Bắc nói giọng Bắc với bà, tuy ông nói không được chuẩn như bà.
Là một đạo diễn nổi tiếng song Lê Cung Bắc không kiếm được nhiều tiền từ nghề. Mỗi lần ông đi làm phim xa, vợ thường đưa cho ông 1 chỉ vàng phòng thân. Lần nào ông cũng tiêu hết chỉ vàng. Cứ thế mãi cũng ngại, nên một lần trước khi về nhà, ông mua vàng giả đeo vào tay. Bà Giang cười khi nhớ lại kỷ niệm xưa: “Nhìn chiếc nhẫn trên tay chồng, tôi thắc mắc, vàng mình mua là vàng thiệt, mà sao xám như vàng giả? Tôi bảo chồng: Anh đưa em coi. Lúc này chồng tôi mới thú nhận, anh đã bán vàng để đi nhậu rồi”.
Bà không trách chồng. Sau này, khi bà hùn vốn mở nhà hàng làm ăn thuận lợi, thỉnh thoảng ông lại bảo bà đưa tiền để ông giúp người này, người kia. Bà vui vẻ đưa tiền cho ông, vì những người ông muốn giúp cũng là những người bà đã gặp. Bà thương những nghệ sỹ phận đời long đong. Chồng bà trong cuộc đời trầm luân cũng đã nhận được biết bao ân tình của người thân, người quen.
Hai vợ chồng đạo diễn Lê Cung Bắc tậu được nhà vào ngày 26 tháng 9 năm 1989, với giá 8 lượng vàng. Khi ấy vợ chồng ông vét hết túi chỉ có 2 lượng vàng, đành vay mượn người thân, người quen 6 lượng vàng nữa, mới đủ để sở hữu ngôi nhà mà hồi đó ai cũng chê u tối, lại sát bên bãi cỏ lau rậm rạp.
Có được ngôi nhà dù lập xập, song họ vẫn cảm thấy như một giấc mơ. Đến bữa, cả gia đình ngồi quây quần ăn cơm trong mùng để tránh muỗi. Sau này, vợ chồng đạo diễn tích cóp, mua thêm được miếng đất sát bên hông nhà của người thân, với giá hữu nghị. NSƯT Lê Cung Bắc đã sống trong ngôi nhà kỷ niệm này đến khi lìa xa thế giới.
Đạo diễn “Người đẹp Tây Đô” có hai con trai, không ai theo nghệ thuật. Một người theo ngành công nghệ thông tin, một người theo ngành kiến trúc.
“Khi chồng tôi đang nằm trên giường bệnh, có nói với con trai cả: Con đi học để theo nghề của ba đi! Con trai nể ba nên ghi danh học trường sân khấu điện ảnh. Nhưng khi ba mất, con cũng ngừng theo đuổi nghề này”, bà Giang cho biết.
Giải oan cho “Người đẹp Tây Đô”
Đẹp trai, tài năng, nên Lê Cung Bắc được nhiều chị em thương yêu. Ông kể, có một cô giáo là giáo viên cấp 1 xinh đẹp và thương ông thật lòng, dù biết ông đã có vợ. Khi ông về vùng kinh tế mới, cô giáo đến thăm. Thấy ông lao động vất vả lại sống trong túp lều, cô hứa sẽ làm cho ông cái nhà đàng hoàng. Ông nghĩ cách từ chối: “Anh không muốn nhà bình thường, nhà phải có gác, có hành lang để chiều chiều anh uống rượu”. Cứ tưởng chi phí đắt đỏ khiến cô chùn bước, không ngờ vài tháng sau ngôi nhà trong mơ của ông đã hoàn thành. Sau này, cô giáo đã đến gặp vợ của Lê Cung Bắc trải lòng: Cô yêu chồng bà. Và đề nghị cả ba cùng chung sống với nhau. Bà Giang rất buồn nhưng không làm náo loạn, bà để chồng 1 tuần suy nghĩ và quyết định. Sau đó, bà bỏ về Sài Gòn. Lê Cung Bắc lên Sài Gòn gặp vợ. Họ quyết tâm phải về sống gần nhau và sinh con, vì lấy nhau đã 10 năm rồi.
Một mỹ nhân khác được Lê Cung Bắc nhắc đến là Việt Trinh, vai chính trong bộ phim “Người đẹp Tây Đô” do ông đạo diễn. Ông chia sẻ, đã có những tiếng xì xầm, thậm chí có thư gửi về đài truyền hình để nghị xem lại quan hệ giữa đạo diễn Lê Cung Bắc và diễn viên Việt Trinh. Trước khi sang thế giới bên kia, ông khẳng định, giữa ông và Việt Trinh là tình huynh đệ. Khi nghe tin đạo diễn “Người đẹp Tây Đô” lâm bệnh, Việt Trinh gọi điện cho ông, khóc nức nở, đề nghị phụ giúp chi phí chữa bệnh.