Ngày 9/12, tại TPHCM, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại trường học khu vực phía Nam.
Theo thống kê của cục trong giai đoạn 2010-2014, toàn quốc ghi nhận 859 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 27 nghìn người bị ảnh hưởng, trong đó có gần 22 nghìn trường hợp phải nhập viện và 186 người tử vong. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết.
Riêng tại TPHCM trong giai đoạn trên, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, có 34 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 3 nghìn người mắc. Chưa có ca tử vong nào tại thành phố vì ngộ độc thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học, cục cũng cho biết, từ năm 2010-2015, cả nước đã có trên 38 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến trên 1.400 người phải nhập viện. Rất may không có ca tử vong. Trung bình mỗi năm có trên 6 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học.
Số vụ ngộ độc thực phẩm trường học tập trung nhiều nhất ở khu vực miền núi phía Bắc (đã xảy ra 12 vụ) và vùng Đông Nam Bộ (10 vụ). Đáng chú ý, ngộ độc thực phẩm tại trường học thường xảy ra vào tháng 3 và 10 hằng năm. Đây là thời điểm thời tiết thay đổi, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Tháng 10 hàng năm cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.
Vi sinh vật là tác nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học với tỷ lệ 18/38 vụ. Xếp sau vi sinh, các nguyên nhân gây ngộ độc còn do độc tố tự nhiên, hóa chất... Và có đến 42% vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chưa xác định được căn nguyên bằng các xét nghiệm.
Cục An toàn thực phẩm nhận định việc khó kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc tại trường học thời gian qua.