Mối lo bùng phát dịch COVID-19 từ 2 đối tượng nhập cảnh trái phép

Mối lo bùng phát dịch COVID-19 từ 2 đối tượng nhập cảnh trái phép
TPO - Chiều 31/12, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng phải tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.

Qua phân tích, Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định có hai loại đối tượng nhập cảnh trái phép. Thứ nhất là người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thường theo các đường dây có tổ chức. Thứ hai là người Việt Nam nhập cảnh trái phép nhưng do sợ cách ly, chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm dịch bệnh.

Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các địa phương, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền đến mọi gia đình những người có người thân ở nước ngoài nếu có nhu cầu về nước phải theo con đường chính thống, hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly; không thể vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết phần lớn các gia đình có người nhà ở nước ngoài đều có giữ liên hệ, liên lạc. Do đó, việc tuyên truyền vận động từ trong nước là rất quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ góp phần vào ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Ngược lại, những gia đình có người thân ở nước ngoài không phối hợp tốt thì cũng gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác phòng chống dịch ở trong nước.

Về các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, trong dịp lễ, Tết cuối năm, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân rất lớn. Vì thế cơ quan chức năng phải hết sức nỗ lực để giữ an toàn, đặc biệt là đẩy nhanh việc thực hiện việc rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), trước hết là các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, khẩn trương áp dụng đối với chợ, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, nhà máy, xí nghiệp…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã yêu cầu rất nghiêm, đôn đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo từng phòng giáo dục, từng trường học để thực hiện, đến nay đã đạt 81%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đôn đốc, kiểm tra nên tỷ lệ đạt rất thấp.

Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, đến nay tất cả các bệnh viện đã tự đánh giá định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông, nhưng mới có khoảng 30% trong tổng số 25.000 trạm y tế cơ sở, phòng khám tư nhân triển khai. Bộ Y tế giao Cục Khám chữa bệnh phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở từng cơ sở ngay trong những ngày đầu tháng 1/2021.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Bộ VHTTDL cho biết chỉ quản lý được các khách sạn còn các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, nhà nghỉ thuộc Bộ Công an nhưng phối hợp giữa hai bộ, dù đã có tiến triển, vẫn chưa được thông suốt và tình trạng này ở các địa phương cũng vậy.

Còn Bộ Công Thương, Bộ GTVT đang tích cực chuẩn bị và tiến tới sẽ triển khai việc tự đánh giá và cập nhật thông tin tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, các phương tiện vận tải hành khách (taxi, xe buýt đô thị, xe khách đường dài) và các nhà máy xí nghiệp.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ này đã có hệ thống dữ liệu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước, đã ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch. Vấn đề hiện nay là cần có công cụ để các ban quản lý chợ, chủ siêu thị thực hiện rà soát, tự

Vấn đề hiện nay là cần có công cụ để các ban quản lý chợ, chủ siêu thị thực hiện rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin. Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay ước tính sơ bộ có khoảng 110.000 xe taxi, xe khách đường dài, xe buýt đô thị của 3.700 đơn vị kinnh doanh vận tải đã có thiết bị giám sát hành trình, tài xế có thể tự khai, đánh giá và cập nhật thông tin.

Bộ GTVT sẽ giao cho lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý những trường hợp không tuân thủ. Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành việc này trong nửa sau của tháng 1/2021.

MỚI - NÓNG