Mời 10 nhà khoa học Việt ở nước ngoài tham gia dự án trọng điểm

Ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST ký kết hợp đồng tài trợ Dự án Tiếp thu và làm chủ công nghệ khai thác ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ trong đánh giá thực trạng dự báo năng suất, phục vụ đổi mới quản lý sản xuất ngô tại Việt Nam của Học viện N
Ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST ký kết hợp đồng tài trợ Dự án Tiếp thu và làm chủ công nghệ khai thác ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ trong đánh giá thực trạng dự báo năng suất, phục vụ đổi mới quản lý sản xuất ngô tại Việt Nam của Học viện N
TP - Sáng qua (20/8), Ban quản lý Dự án Ðẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (Dự án FIRST) đã ký thỏa thuận tài trợ chuyên gia giỏi nước ngoài. 30 chuyên gia hàng đầu quốc tế trong nhiều lĩnh vực sẽ tham gia trực tiếp vào 13 dự án nghiên cứu quan trọng, có ý nghĩa thiết thực với Việt Nam, trong đó có 10 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài.

Quy tụ những nhà khoa học Việt Nam hàng đầu ở nước ngoài

TS Trịnh Quang Toàn, 31 tuổi, là Trưởng phòng nghiên cứu thí nghiệm thủy văn thủy lực thuộc Đại học California Davis, Mỹ. TS Toàn từng tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội, được đặc cách làm nghiên cứu sinh tại Mỹ (không qua thạc sỹ). Năm ngoái, ở tuổi 30, TS Toàn đảm trách  quản lý một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu của Mỹ về khí tượng thủy văn. Trước khi tham gia dự án của FIRST, dù bận công việc chính ở Mỹ, TS Toàn vẫn hợp tác với một số cơ quan nghiên cứu của Việt Nam.

Mời 10 nhà khoa học Việt ở nước ngoài tham gia dự án trọng điểm ảnh 1
 

TS Toàn cùng một GS và một TS khác của Đại học California Davis sẽ giúp Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển tiếp thu công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc - Áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đà, sông Thao, gồm cả lưu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Dự án này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống công nghệ với đầy đủ cơ sở dữ liệu phục vụ tác nghiệp dự báo. Cung cấp Bộ dữ liệu mưa và dòng chảy trong quá khứ, Bộ dữ liệu tính toán dự báo diễn biến lượng mưa, dòng chảy trong tương lai cho toàn bộ lưu vực sông Đà - Thao theo các kịch bản biến đổi khí hậu.

Quản lý một phòng thí nghiệm hơn 20 nhân viên, TS Toàn tâm sự, công việc của anh rất bận. Thời gian tham gia dự án FISRT không dài, áp lực công việc lớn, song anh vẫn quyết tâm tham gia bởi “Khi làm các dự án ở Việt Nam, tôi có cảm giác được làm cho chính bản thân mình”.

Cũng trong lần hợp tác này còn có GS Phạm Huỳnh Anh Vũ, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sóng siêu cao tần tại Đại học California Davis, Hoa Kỳ. Ông là một trong những giáo sư nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong lĩnh vực thiết kế RFIC và MMIC (bao gồm các ứng dụng internet vạn vật). Trong lần hợp tác này, GS Anh Vũ cùng 2 chuyên gia nước ngoài khác và Trường Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thực hiện nghiên cứu và phát triển bộ phát tín hiệu băng kép cho thiết bị internet of things trong nông nghiệp. Nghiên cứu này sẽ phát triển các ứng dụng vạn vật kết nối trong ngành nông nghiệp và đảm bảo an toàn nông nghiệp của Việt Nam.

Trong số 10 nhà khoa học Việt tham dự các dự án lần này còn có tên tuổi khá quen thuộc là GS.TS Nguyễn Sơn Bình. GS Bình từng là một trong 4 nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuter công bố năm 2015. GS Bình đang công tác tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Northwestern, Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng với nhiều công bố trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới như Nature, Nature nanotechology. Trong lần này, GS Bình sẽ cùng một chuyên gia nước ngoài khác và Viện Khoa học Vật liệu nghiên cứu ứng dụng vật liệu các bon cấu trúc nano trong việc nâng cao các tính chất cơ học của lớp mạ điện công nghiệp.

Các nghiên cứu đều mang tính mới, giá trị cao

Lễ ký kết sáng qua là lần ký kết cuối cùng và là một trong 3 lần ký kết giữa Dự án FIRST với các tổ chức khoa học công nghệ để mời các chuyên gia giỏi nước ngoài về làm dự án. Trải qua nhiều vòng thẩm định rất khắt khe, minh bạch, bình đẳng với sự giám sát của Ngân hàng Thế giới, có gần 90 chuyên gia giỏi nước ngoài, trong đó có 30 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham dự với 38 dự án khoa học và công nghệ. Đây đều là dự án được giới chuyên gia đánh giá có giá trị thực tiễn cao, mang tính mới.

Một số dự án sẽ triển khai trong lần này như phân tích và phát hiện mã độc sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Tái chế chất thải rắn chứa crom, Tiếp thu và làm chủ công nghệ khai thác ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ trong đánh giá thực trạng dự báo năng suất, phục vụ đổi mới quản lý sản xuất ngô tại Việt Nam. Trong lần ký kết này, các chuyên gia nước ngoài sẽ có 11 tháng làm việc với các tổ chức khoa học công nghệ tại Việt Nam để thực hiện các dự án.

Theo ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST, các dự án công nghệ có sự tham gia của các chuyên gia giỏi nước ngoài đều là những công nghệ mới, thỏa mãn các thách thức về công nghệ trong nước gặp phải. Quá trình thực hiện FIRST, hơn 600 chuyên gia giỏi nước ngoài đã quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ các viện, trường ở Việt Nam. Dù chỉ có 98 nhà khoa học nhận tài trợ do nguồn lực của FIRST có hạn song mạng lưới hơn 600 nhà khoa học Việt Nam ở nhiều thế hệ trên vẫn kết nối với nhau, xây dựng được một mạng lưới chuyên gia người Việt ở nước ngoài.

“Khi làm các dự án ở Việt Nam, tôi có cảm giác được làm cho chính bản thân mình”

TS Trịnh Quang Toàn, 31 tuổi, Trưởng phòng nghiên cứu thí nghiệm thủy văn thủy lực thuộc Ðại học California Davis, Mỹ

Dự án FIRST do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai là dự án ODA lớn nhất trong lĩnh vực KHCN của Việt Nam. Một trong những hợp phần quan trọng nhất của dự án là khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài có thiện chí và sẵn sàng hợp tác với các đối tác, viện, trường đại học và doanh nghiệp trong nước để giải quyết các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo và sản xuất kinh doanh.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.