Mochaumilk giúp nông dân làm giàu, làm “đầu kéo” Tây Bắc

Mochaumilk giúp nông dân làm giàu, làm “đầu kéo” Tây Bắc
TP - Nhờ lợi thế khí hậu mát mẻ ở độ cao trên 1.000 mét, thổ nhưỡng phì nhiêu, cùng với chu trình chăn nuôi khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu con giống, thức ăn, vắt sữa, bảo quản sữa, chế biến… đã giúp người dân ở nông trường Mộc Châu (Sơn La) khá giả lên từ bò sữa. Mochaumilk cũng chính là đầu kéo về kinh tế cho vùng thảo nguyên Tây Bắc.
Mochaumilk giúp nông dân làm giàu, làm “đầu kéo” Tây Bắc ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhà máy chế biến sữa Mộc Châu.

Tăng quy mô đàn, năng suất sữa

Cùng với Lâm Đồng, Mộc Châu được đánh giá là vùng có lợi thế hơn cả về nuôi bò sữa trong cả nước. Đi trên nông trường bạt ngàn màu xanh, ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk) khoe rằng: “Mộc Châu có cái mà các đơn vị làm sữa khác có tiền cũng không mua được là khí hậu và đất đai. Với tầng đất mặt ở vùng thảo nguyên độ dày 1,3-1,5 m, nếu tưới nước nữa có lẽ không nơi nào bằng”.

Nhờ những lợi thế đó, cùng với mô hình chăn nuôi bò sữa nông hộ- quyền lợi nông dân gắn chặt với công ty với vai trò là cổ đông nên đã phát huy được thế mạnh. Từ năm 2010 lại đây, được xem là giai đoạn trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của Mocchaumilk về mọi mặt. Đàn bò sữa đã tăng từ gần 8.000 con lên trên 18.300 con (năm 2015) hiện và hiện đã 22.000 con. Tất cả các hộ chăn nuôi đều áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Chiến, để tăng sức cạnh tranh và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, Mocchaumilk sẽ từng bước tăng quy mô trung bình đàn từ 35con/hộ hiện nay lên 45-50 con/hộ, trong đó khoảng 30% nhóm hộ nuôi quy mô lớn 100-200 con/hộ; đồng thời nâng tổng đàn lên khoảng 35.000 con.

“Trọng tâm của chúng tôi vẫn là chăn nuôi nông hộ và thực tế nhiều nước như Mỹ, Canada… họ cũng làm như vậy. Hiện quy mô chăn nuôi bò sữa tại các nông hộ ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Canada cũng chỉ từ 100 - 300 con/hộ. Mocchaumilk sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở chế biến sữa và thức ăn; tăng cường liên kết vùng với nông dân các khu vực lân cận”- ông Chiến nói.

Theo lãnh đạo Mocchaumilk, cùng với điều chỉnh quy mô, sẽ tập trung cho mục tiêu tăng năng suất, chất lượng sữa. Hiện sữa tươi tại Mộc Châu đạt 7,4 tấn/chu kỳ, nên trong vài năm tới, sẽ tăng năng suất lên 8 tấn/chu kỳ. Lúc đó, giá thành sẽ giảm xuống, có thể cạnh tranh tốt hơn với các sữa ngoại nhập.

Với nhiều chính sách hỗ trợ từ công ty, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn nông trường tích cực mở rộng quy mô, tăng đàn và cho thu nhập cao, thành những tỷ phú ở Mộc Châu. Các hộ như anh Nguyễn Văn Hải (tiểu khu Vườn đào), ông Phan Doãn Hiệp (đơn vị 26/7), chị Lê Thị Hoa (đơn vị Vườn Đào 1), anh Dương Văn Nội (Tiểu khu 70)… đều là những hộ có thu nhập đáng mơ ước của nhiều người, khi lãi ròng 100- 200 triệu đồng/tháng từ bò sữa. Số lượng tỷ phú chăn bò ngày càng nhiều trên thảo nguyên Mộc Châu.

Mochaumilk giúp nông dân làm giàu, làm “đầu kéo” Tây Bắc ảnh 2

Mochaumilk đặt mục tiêu nâng tổng đàn bò sữa lên 35.000 con trong thời gian tới.

“Đầu kéo” cho cả vùng

Những năm gần đây, với sự phát triển đàn bò và chế biến sữa, Mocchaumilk đã nộp ngân sách trên 150 tỷ đồng mỗi năm, là đơn vị nộp ngân sách lớn nhất của Sơn La. Mocchaumilk đang góp phần quan trọng, là đầu kéo, giúp phát triển kinh tế ở Sơn La cũng như là điểm nhấn của vùng Tây Bắc.

Để tạo đà tăng trưởng vượt bậc đó, Mocchaumilk đã áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ người chăn nuôi, nhất là hỗ trợ vay vốn, trợ giá thức ăn chăn nuôi, duy trì và điều hành tốt quỹ bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa nhằm giúp các hộ chăn nuôi yên tâm phát triển đàn bò.

Mocchaumilk cũng đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Lấy chăn nuôi bò sữa làm gốc cho sự phát triển của công ty” và chương trình “Bò ra ngoài công ty - Thức ăn vào công ty”, đầu tư cho chăn nuôi với hình thức kết hợp mô hình chăn nuôi hộ và chăn nuôi tập trung.

Đặc biệt, Mochaumilk đang triển khai liên kết với bà con nông dân các dân tộc ít người trong vùng, tổ chức và thu hoạch ngô cây làm ủ ướp cho công ty với sản lượng lớn. Các chương trình trên đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập khá.

Theo Tổng giám đốc Trần Công Chiến, nông dân trồng ngô làm thức ăn ủ ướp cho thu nhập “ăn đứt” so với trồng ngô lấy hạt.  Diện tích liên kết trồng ngô ủ ướp đến nay đã lên đến hàng nghìn hécta, cung cấp khoảng 60-70% ngô ủ ướp cho các hộ nuôi của công ty.

Là điểm sáng của vùng Tây Bắc, hẳn Mocchaumilk được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các vị khách quý quốc tế đến thăm, đặc biệt là trong năm nay. Trong dịp tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La hồi tháng 7 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mocchaumilk. Tham quan dây chuyền đóng gói, Thủ tướng đánh giá cao việc Công ty nhận con em của nông dân nuôi bò sữa vào làm việc với mức thu nhập khá. Sản lượng sữa tươi sản xuất của Mochaumilk trên 80.000 tấn/năm, thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/tháng.

Cũng trong dịp tham dự các hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước Việt Nam- Lào ở Sơn La trong tháng 7/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đã đến thăm trang trại bò sữa và Nhà máy chế biến sữa Mộc Châu.

Trước đó, hồi giữa tháng 6/2017, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cuba tại Sơn La cũng đã đến trang trại bò sữa Mộc Châu. Đây là một điều đặc biệt, bởi chính Cuba đã giúp đỡ rất lớn, tạo nền tảng cho phát triển nông trường bò sữa Mộc Châu sau này.

Theo lãnh đạo Mochaumilk, giai đoạn 1975 - 1976, Nông trường Mộc Châu được nhận 884 con bò sữa giống Holstein Friesian từ Cuba. Bạn cũng hỗ trợ xây dựng 10 trại chăn nuôi tập trung với công nghệ chăn nuôi tiên tiến; 1 trung tâm nuôi bê và 1 bệnh viện thú y. Đặc biệt, Chính phủ Cuba đã cử 200 kỹ sư, công nhân mang theo phụ tùng máy móc trực tiếp đến Mộc Châu để giúp tỉnh xây dựng cơ sở ban đầu.

Đến nay, đàn bò sữa của Công ty đã gần 22.000 con, chủ yếu có nguồn gốc từ đàn bò sữa cao sản Cuba và là thế hệ thứ 11 của 884 con bò sữa do phía bạn trao tặng. Nhìn thấy món quà của tình hữu nghị được phát triển lớn mạnh, Chủ tịch Quốc hội Cuba không khỏi vui mừng. Ông dánh giá cao vai trò các thế hệ cán bộ, công nhân nông trường, và tin tưởng với thời tiết, khí hậu, thiên nhiên ưu đãi ở Sơn La, chăn nuôi bò sữa sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.  

Trong dịp 14-15/10 sắp tới, Mộc Châu lại nô nức với hội thi “Hoa hậu bò sữa” truyền thống lần thứ 14 năm 2017.  Đây cũng là dịp để nhằm tôn vinh người chăn nuôi, thúc đẩy các hộ nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản, đẹp nhất về hình thể, đạt mức sinh trưởng cao và cho sản lượng sữa cao nhất.

MỚI - NÓNG