Mổ xẻ chuyện dạy thêm
> Dễ quản lý dạy, học thêm nếu giáo viên đăng ký
Sáng 15-3, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và các sở, ban ngành liên quan về việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông.
Giáo viên mới của Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) hướng dẫn học sinh trong giờ thí nghiệm. Giáo sinh mới ra trường với mức thu nhập 1,6-2 triệu đồng/tháng không thể đủ trang trải cuộc sống hiện nay. Ảnh: Như Hùng. |
Các đại biểu đã cùng mổ xẻ nhiều vấn đề nóng liên quan đến lương giáo viên, các khoản thu trong nhà trường, việc dạy thêm, học thêm và bất cập trong thiếu, thừa giáo viên.
Không thể cấm giáo viên dạy thêm
Vấn đề dạy thêm học thêm được nhiều đại biểu quan tâm khi thực tế đã chuyển từ “cấm dạy thêm” sang “quản lý việc dạy thêm”.
Bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trình bày: “Tại TP.HCM đã thực hiện tốt việc quản lý dạy thêm học thêm. Nhìn chung xã hội đồng tình với việc dạy thêm và học thêm nên hiện tượng phụ huynh phản ảnh, bức xúc rằng con họ bị ép học thêm cũng không còn. Vấn đề dạy thêm hiện nay đang được chỉ đạo đi đúng hướng, sở thường xuyên kiểm tra đột xuất việc dạy và học thêm, nếu giáo viên dạy thêm ở nhà thì phải báo cáo hiệu trưởng về học phí, số học sinh, điều kiện học tập (ánh sáng, bàn ghế...), tuyệt đối không được dạy học sinh của mình”.
Trao đổi về vấn đề này, một thành viên đoàn giám sát phát biểu: “Hiện nay không thể cấm nổi việc dạy thêm bởi lương giáo viên không đủ sống. Tuy nhiên, nếu quan hệ giữa giáo viên và học sinh có liên quan đến tiền bạc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy. Giáo viên tự thu chi nên sẽ có chuyện tôi muốn học sinh đi học thêm thì chỉ cần cho bài trên lớp thật khó, làm không được học sinh sẽ phải tìm tới tôi để học thêm. Nhiều trường hợp học sinh vừa phải học thêm ở trường tổ chức, vừa phải học ở nhà giáo viên. Chưa kể giáo viên thể dục, giáo dục công dân, địa lý... không thể dạy thêm sẽ gây ra sự thiệt thòi. Trước đây nguyên tắc của chúng ta là phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng hiện nay em nào cũng phải đóng tiền để học thêm”.
Các đại biểu của đoàn giám sát cũng quan tâm đến việc “Có những trường ở TP.HCM thông báo thu tới 11 khoản, đó là thu theo quy định nào, tính công khai dân chủ có đảm bảo hay không?”.
Trả lời vấn đề này, bà Kim Thanh cho biết: “Hiện các trường được thu thêm tiền hoạt động buổi thứ hai và phục vụ bán trú. Ngoài các khoản theo quy định của Nhà nước thì TP cũng cho phép thu các dịch vụ phục vụ học sinh nhưng chỉ là thu hộ, chi hộ. Một số trường dù thu theo đúng văn bản quy định nhưng lại liệt kê quá nhiều và không giải thích rõ với phụ huynh nên gây ra hiểu nhầm”.
Thu nhập vẫn không đủ sống
Theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện nay thu nhập trung bình của giáo viên TP.HCM gồm lương, phụ cấp bán trú, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp theo giờ... từ 3,8-4,5 triệu đồng tùy địa bàn và cấp học. Trong đó, mức chi tăng thu nhập cho giáo viên của các trường từ các khoản chênh lệch tăng bình quân 500.000-1,2 triệu đồng/người, ngoại trừ những trường mới thành lập.
Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận xét: “Tôi gặp giáo viên ở cơ sở thì họ đều than thở thu nhập không đủ sống, nhất là giáo sinh mới ra trường. Với mức thu nhập hiện nay thì quá khó khăn khi sống ở TP.HCM, dù lâu nay TP đã tìm nhiều cách để tăng thu nhập cho các thầy cô. Đề nghị cần sớm điều chỉnh thang bảng lương giáo viên, đủ để họ tái tạo sức lao động và một người phải nuôi được một người”.
Hiện ngoài các khoản tiền theo quy định của Nhà nước, TP.HCM đã có thêm trợ cấp cho giáo viên vùng sâu vùng xa, nâng mức 500.000 đồng lên 600.000 đồng/người. Đối với giáo viên mầm non do phải đi sớm về trễ nên được hỗ trợ ở mức 300.000 đồng/tháng/người.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện giáo viên toàn ngành có 63.976 người, thừa 400 người, thiếu 3.900 người, trong đó bậc THPT thiếu 2.522 người, bậc THCS thiếu 1.837 người. Có 23 trường THPT không đạt định mức số giáo viên trên một lớp.
Hiện nay các môn học như kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nữ công, vật lý thừa giáo viên bậc THCS, trong khi đó các môn địa lý, nhạc, họa, thể dục và tin học thiếu đến hàng trăm giáo viên mỗi môn. Nhiều địa bàn thiếu trầm trọng giáo viên, phải đào tạo tại chỗ.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hồng, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhận định: “Cần đặt ra mục tiêu giáo viên phải đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng, phải rà soát, sắp xếp lại giáo viên, dự tính quy mô phát triển số lượng của 10, 20 năm tới để giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho phù hợp, ưu tiên các môn thiếu giáo viên. Nếu không làm tốt việc dự báo thì tình trạng giáo viên thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa sẽ còn tiếp diễn”.
Ông Hồng cũng đề xuất Sở GD-ĐT TP.HCM cần đầu tư toàn diện cho khoa sư phạm của ĐH Sài Gòn để từng bước giải quyết vấn đề thiếu, thừa giáo viên nói trên.
Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ