Mở tuyến buýt Yên Nghĩa - Thường Tín

Mở tuyến buýt Yên Nghĩa - Thường Tín
Hôm nay, 1-11-2012, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chính thức khai trương tuyến buýt xã hội hóa số 62: Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Thường Tín.

Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Trọng Thông cho biết, tuyến buýt 62 ra đời với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế, kiềm chế TNGT trên các trục quốc lộ đi vào thành phố, hạn chế phương tiện cá nhân từ các khu đô thị vệ tinh vào Hà Nội và ngược lại.

Với chiều dài toàn tuyến 21.5km, Tổng công ty sẽ đưa 14 xe buýt 60 chỗ vào hoạt động từ 5h00 đến 21h00 tại 2 đầu bến, tần suất phục vụ 10 - 15 phút/lượt. Tần suất 10 - 15 phút/lượt (ngày thường 152 lượt/ngày, chủ nhật 128 lượt/ngày).

Cũng theo ông Thông, từ bến xe Thường Tín về bến xe Yên Nghĩa, hành khách có thể yên tâm đi đến bất cứ điểm nào trên địa bàn Thủ đô thông qua mạng lưới 50 tuyến buýt nội đô của Hanoibus. Giá vé lượt đồng hạng trên tuyến là 5.000 đ/HK/lượt. Giá vé tháng bán cho học sinh, sinh viên 1 tuyến là 45.000 đ/vé/người/tháng; Liên tuyến: 90.000 đ/vé/người/tháng. Giá vé tháng 1 tuyến bán cho đối tượng khác là 90.000 đ/vé/người/tháng; Liên tuyến là 140.000 đ/vé/người/tháng.

Theo lộ trình, chiều đi, hành khách đón xe buýt từ bến xe Yên Nghĩa - Quốc lộ 6 - Quang Trung (Hà Đông) - Tô hiệu (Hà Đông) - Phùng Hưng (Hà Đông) - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi - Quốc lộ 1A cũ - Bến xe Thường Tín. Chiều về bắt đầu từ bến xe Thường Tín - Quốc lộ 1A cũ - Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ - Cầu Bươu - Phùng Hưng (Hà Đông) - Tô Hiệu (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông) - Quốc lộ 6 - Bx Yên Nghĩa.

“Đỡ” gánh nặng cho ngân sách

Nói về các tuyến buýt đầu tư theo hình thức XHH, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết XHH là hình thức đưa những thành phần kinh tế khác vào tham gia VTHKCC thông qua đấu thầu. Đây là chủ trương của Thành phố từ đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, phải đến năm 2006 thì những tuyến buýt XHH đầu tiên mới được hình thành. “Ưu điểm của những tuyến buýt XHH là chọn được các nhà đầu tư khác nhau, các thành phần kinh tế khác nhau. Nhà nước không phải đầu tư ban đầu về phương tiện, giảm áp lực kinh tế cho ngân sách” - ông Hải nhấn mạnh.

Vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia các tuyến buýt XHH là không nhỏ song nhiều áp lực cũng đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp này. Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Hải cho biết, ngoài việc phải bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư cho mỗi chiếc xe buýt là quá lớn, cùng với những khoản chi khác như xăng xe, tiền thuê nhân công, bảo dưỡng xe... đã tạo nên gánh nặng về tài chính cho các doanh nghiệp. Cũng theo ông Hải thì trong số các doanh nghiệp XHH hiện nay, Tổng công ty Vận tải Hà Nội là doanh nghiệp lớn nhất, có mô hình quản lý chặt chẽ, đầu tư xuyên suốt đồng bộ nhất.

Được biết, Transerco cũng là đơn vị đầu tiên tham gia vào các tuyến buýt XHH. Trong suốt quá trình phát triển, doanh nghiệp này luôn được đánh giá cao do có nhiều ưu thế về xuất phát điểm, bề dày kinh nghiệm, bộ máy quản lý căn bản, vững vàng.

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG