Xây dựng và chỉnh đốn Đảng - gốc có vững cây mới bền, Bài 3:

Mở rộng phạm vi, tấn công vào chủ nghĩa cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
Những phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì trong khóa XII đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp được dư luận xã hội quan tâm Ảnh: T.H
Những phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì trong khóa XII đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp được dư luận xã hội quan tâm Ảnh: T.H
TP - Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà khóa XIII đang thực hiện, không chỉ là sự tiếp nối của các nhiệm kỳ trước mà còn mở rộng phạm vi chỉnh đốn cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, Đảng cũng mạnh mẽ tấn công vào “chủ nghĩa cá nhân”- vốn là căn nguyên của những tiêu cực, tự chuyển hoá đến tự diễn biến.

Chọn sai cán bộ, tập thể có thể bị vô hiệu hóa

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng luôn chọn Hội nghị lần thứ tư để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Từ khóa XI đến nay, có tính chất chu kỳ, cứ sau mỗi kỳ Đại hội, Hội nghị thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư lại bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cấp độ ngày một khác, càng ngày càng nhận diện rõ, định vị bằng những giải pháp sát thực hơn. Điểm lại để thấy được mức độ quan tâm của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công tác xây dựng Đảng.

Mở rộng phạm vi, tấn công vào chủ nghĩa cá nhân ảnh 1

Ông Lê Thanh Vân

Bác Hồ đã nói, Đảng ta là đạo đức và văn minh. Đạo đức chính là phẩm chất của cán bộ đảng viên, còn văn minh thể hiện trí tuệ, tầm nhìn phù hợp, thậm chí vượt thời đại. Củng cố xây dựng Đảng chính là dựa trên hai trụ cột quan trọng: sức mạnh về trí tuệ, kỷ luật và sức mạnh về phẩm chất đạo đức. Củng cố điều đó sẽ tác động đến rất nhiều phương thức hoạt động của Đảng. Trong công tác cán bộ, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Ở đâu mà tính tiền phong gương mẫu, trước hết là người đứng đầu thực hiện tốt thì ở đó có phong trào, hoạt động, lãnh đạo tốt. Ngược lại, ở đâu người đứng đầu tha hoá, biến chất, lệch hướng, lợi ích nhóm, thì ở đó trì trệ. Điển hình nhất là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vừa qua, hệ thống lãnh đạo tha hoá biến chất, vậy nó bắt đầu từ đâu? Nếu như người đứng đầu cấp uỷ ở đó mà nghiêm, mà chăm lo đến lợi ích chung thì không có chuyện đó.

Mở rộng phạm vi, tấn công vào chủ nghĩa cá nhân ảnh 2

Việc thua lỗ nghiêm trọng xảy ra ở Vinashin, Vinaline giai đoạn 2008 - 2012 đã gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của người dân

Do vậy, công tác tổ chức cán bộ phải làm sát sao, nếu như công tác tổ chức lựa chọn đúng người, đúng phẩm chất trí tuệ, thì công tác kiểm tra phải thường xuyên để xem hoạt động của họ, tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, mục tiêu hành động của họ có vì lợi ích chung không? Từ đó kịp thời xử lý nếu vi phạm, thay thế nếu như không đáp ứng nhu cầu.

Lần này, trong công tác xây dựng Đảng, cũng là Nghị quyết T.Ư 4 của khoá XIII, Đảng nâng lên một bước mới, không chỉ gắn với xây dựng Đảng với chấn chỉnh nhiều mặt, mà còn tấn công vào chủ nghĩa cá nhân - chính là hạt nhân của những tiêu cực, tự chuyển hoá đến tự diễn biến.

Chỉnh đốn cả Nhà nước để kiểm soát quyền lực tốt hơn

Nhiệm kỳ khóa XIII này đã đặt vấn đề, ngoài chỉnh đốn Đảng, còn chỉnh đốn Nhà nước và hệ thống chính trị. Việc chỉnh đốn Nhà nước có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Quyền lực chính trị, thực chất là quyền lực xã hội mà nhân dân là chủ thể, nhưng nhân dân không thể tổ chức ra nhà nước của mình mà phải thông qua Đảng chính trị, với cương lĩnh, đường lối phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tính thời đại. Khi nói đến chỉnh đốn Đảng mà không nói đến chỉnh đốn Nhà nước thì có nghĩa là chúng ta mới chỉnh đốn về mặt quyền lực chính trị, còn quyền lực nhà nước buông lỏng, thì mục đích lãnh đạo xã hội, tổ chức xã hội phù hợp với nguyện vọng của nhân dân không còn ý nghĩa nữa. Cho nên xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với kiểm soát được quyền lực Nhà nước, chỉnh đốn phương thức hoạt động của Nhà nước. Đó chính là một trong những nhiệm vụ căn cốt nhất của Đảng.

Đảng lãnh đạo nhà nước bằng ba phương thức: lãnh đạo bằng đường lối, chính sách chủ trương; lãnh đạo bằng cán bộ; và lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát Đảng. Suy cho cùng lợi ích của Đảng, với lợi ích Nhà nước và nhân dân là một. Cho nên, nếu chỉnh đốn Đảng mà không chỉnh đốn Nhà nước thì việc chỉnh đốn đó sẽ không toàn diện, không phù hợp với sứ mệnh của Đảng. Cho nên, chỉnh đốn Đảng phải đồng nghĩa với chỉnh đốn Nhà nước. Bởi vì Nhà nước sử dụng quyền lực chính trị là bởi sự lãnh đạo của Đảng, thông qua cơ chế trao quyền của nhân dân.

Trên cơ sở đó, cần phải đổi mới phương thức hoạt động của nhà nước, trước hết là Quốc hội. Đổi mới phương thức hoạt động lập pháp, sao cho các quyết định của Quốc hội thể hiện qua các đạo luật, các nghị quyết, qua các hoạt động giám sát của mình, kể cả công tác nhân sự phải khách quan, lấy lợi ích nhân dân làm tối thượng. Muốn vậy, quy trình soạn thảo phải có cái nhìn đa chiều ngay từ đầu, kiểm soát ngay từ khâu xây dựng các dự thảo luật. Nếu như chừng nào vẫn để cho các nhóm lợi ích thao túng, thông qua lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích ngành mà không có sự tham gia rộng rãi ngay từ đầu để kiểm soát quyền lực trong khâu lập pháp, thì ý nghĩa chỉnh đốn nhà nước của Đảng sẽ phai nhạt đi.

Tương tự, trong việc tổ chức quyền hành pháp cũng vậy. Nếu các đạo luật là bước thể chế hoá đường lối chính sách của Đảng, ý chí nguyện vọng của nhân dân, thì quá trình tổ chức thực thi quyền hành pháp, vận hành các đạo luật vào cuộc sống phải bảo đảm tính công minh, khách quan, xuyên suốt. Việc tổ chức, thực thi quyền tư pháp cũng vậy, phải đặt mục đích tối thượng là mục ích của nhân dân, phải tuân thủ các đạo luật do Quốc hội ban hành, như vậy mới làm cho cương lĩnh, đường lối chiến lược của Đảng sống động, được triển khai trong thực tiễn. Như thế uy tín chính trị của Đảng mới tồn tại, vững bền trong lòng dân được. Cho nên, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với chỉnh đốn Nhà nước. Mà chỉnh đốn Nhà nước, trước hết phải phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực thật tốt, tránh lạm dụng ở tất cả các khâu.

Thiếu nhạc trưởng, bản nhạc sẽ lạc điệu

Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả thì vai trò của người “cầm cờ” có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Trong tổ chức, vận hành các hoạt động của Đảng chính trị bao giờ cũng có sự gắn kết giữa tập thể và cá nhân. Tập thể là một chế độ làm việc, phát huy được tính dân chủ, trí tuệ tập thể, dù một cá nhân có tài giỏi mấy cũng không thể nhìn hết được tất cả các khâu, các quá trình rộng hơn. Cho nên tập thể là nơi phát hiện, hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách. Nhưng nếu vận hành, điều hành tập thể mà không có người đứng đầu, thì nó sẽ tạo ra lối rẽ ngang, rẽ dọc và không bảo đảm tính nhất quán. Cho nên đánh giá vai trò tập thể không thể tách rời vai trò của cá nhân, vai trò thủ lĩnh.

Dù tổ chức chính trị, hay tổ chức nhà nước, thì vai trò của người đứng đầu, vai trò cá nhân phụ trách là tối quan trọng, như một nhạc trưởng trong dàn nhạc, nếu bản hoà tấu vang lên chỉ có đơn điệu bởi nhạc trưởng, cầm gậy chỉ huy thì không có nốt nhạc tấu lên. Ngược lại không có gậy chỉ huy của nhạc trưởng thì bản nhạc đó vô nghĩa. Để dàn nhạc hoà đồng, tấu lên những bản nhạc để đời thì vai trò nhạc trưởng, người chỉ huy, lãnh đạo là vô cùng quan trọng, bảo đảm tuân thủ các quy tắc, khuynh hướng vận hành đi theo một hệ thống thống nhất, nhất quán.

Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu của Đảng là phục vụ lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, ngoài mục đích của đất nước, của Nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đây là sự gắn bó lợi ích giữa Nhân dân với Đảng. Nếu không có sự ủng hộ, giám sát của Nhân dân thì Đảng không thể thực hiện được vai trò và uy tín của Đảng không thể được xác lập. Đảng muốn mạnh, muốn đi vào lòng dân thì phải chịu sự giám sát của nhân dân, mà nhân dân ở đây là số đông chứ không phải nhóm nhỏ. Nên Đảng đổi mới phải có phương thức lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của nhân dân, đương nhiên phải có phương thức để nhận diện giữa số đông của nhân dân với một nhóm công dân.

Ông Lê Thanh Vân

MỚI - NÓNG